Hà Nội đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển du lịch

Hà Nội đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển du lịch
Phương án quy hoạch kiến trúc Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia
Phương án quy hoạch kiến trúc Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia

Điển hình, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia tại Đông Anh khởi công vào tháng 10/2016, do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Đây sẽ là nơi diễn ra các hoạt động triển lãm, giao lưu và tổ chức những sự kiện quy mô lớn tầm cỡ khu vực, thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi Kim Quy được khởi công vào tháng 9/2016 tại huyện Đông Anh do Tập đoàn Sungroup đầu tư. Đây là lần đầu tiên, Hà Nội có một công viên đẳng cấp quốc tế mô phỏng truyền thuyết lịch sử và mang đậm dấu ấn văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Khu công viên thể thao thuộc dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu, huyện Quốc Oai do tập đoàn Tuần Châu làm chủ đầu tư mới khai trương vào đầu năm 2017. Dự án được mệnh danh là “tiểu Tuần Châu giữa lòng Hà Nội”, triển khai trên phần diện tích gần 200 ha đã được quy hoạch trở thành khu đô thị sinh thái hiện đại với đầy đủ tiện ích như thành phố thu nhỏ. Bên cạnh đó là những dự án đã và đang triển khai của tập đoàn BRG như sân golf Sóc Sơn, khách sạn 22- 32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm…

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của Hà Nội cũng dần được xây dựng đồng bộ. Quỹ đất tại các vị trí thuận lợi ở khu vực trung tâm thành phố đã được ưu tiên đầu tư phát triển các công trình khách sạn cao cấp. Tính đến nay, Hà Nội có 3.081 cơ sở lưu trú với 49.118 buồng, chiếm khoảng 1/5 tổng số cơ sở lưu trú cả nước, trong đó, 94,29% số cơ sở lưu trú đã cung cấp mạng wifi miễn phí phục vụ khách du lịch. Năm 2016 đã có thêm 57 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng (trong đó có 2 khách sạn 4 và 5 sao).

Cùng với một số công viên lớn được xây dựng, thành phố đã khởi công mới một số công viên hiện đại khác trên địa bàn như: Khu công viên - hồ điều hòa Mai Dịch diện tích 16,2ha; công viên Nhân Chính diện tích 13,22ha; công viên, hồ điều hòa CV1 khu đô thị mới Cầu Giấy diện tích 36,5ha; công viên chuyên đề tại quận Long Biên; quy hoạch trục Nội Bài - Nhật Tân với khu công viên, vui chơi giải trí, hồ điều hòa... Thành phố cũng phê duyệt nhiệm vụ thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đầu tư xây dựng 20 khách sạn cao cấp 4 - 5 sao, 32 dự án đầu tư khu căn hộ cao cấp tại 9 quận trung tâm thành phố với 8.774 căn hộ.

Trong thời gian ngắn, thành phố đã có thêm nhiều điểm đến mới, có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù và không ngừng tạo ra các sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững. Tuy vậy, cơ cấu chi tiêu của khách du lịch không cân đối, chủ yếu tập trung ở dịch vụ lưu trú cho thấy Hà Nội còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc sắc có sức cạnh tranh và hấp dẫn cao, thiếu những khu du lịch, điểm du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế, thiếu những loại hình hoạt động du lịch mới phát triển theo chuỗi sự kiện đồng bộ để thu hút khách kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu.
Đình Thuấn
TTXVN

Có thể bạn quan tâm