Giữ nghề mây tre đan “made in Cà Đú”

Giữ nghề mây tre đan  “made in Cà Đú”
Đến thăm gia đình Lê Đình Tân, chúng tôi gặp anh đang tất bật đan những chiếc hộp đựng trầu bằng chất liệu mây tre và lá buông. Đây là vật dụng không thể thiếu trong các gia đình đồng bào Chăm dùng để đựng trầu cau cúng kính ông bà vào dịp cưới hỏi, tảo mộ.

Để hoàn thiện một sản phẩm hộp đựng trầu, anh phải mất thời gian khoảng hai ngày, từ ra nan, đan, bện lá buông, sơn màu. Sản phẩm làm ra tới đâu được thương lái thu mua tới đó.

Sản phẩm mây tre đan của anh Tân sản xuất chắc, bền, đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng. Có lẽ anh Tân là nghệ nhân duy nhất hiện nay ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận biết làm hộp đựng trầu của đồng bào Chăm. Đây là sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo dùng trong tín ngưỡng tâm linh đòi hỏi sự khéo léo đôi tay và tính thẩm mỹ của người thợ. Người lao động chí thú học nghề khoảng 3 tháng có thể làm một số sản phẩm mây tre đan được người tiêu dùng chấp nhận, có thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Anh Lê Đình Tân giữ nghề mây tre đan truyền thống ở xã Thành Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm
Anh Lê Đình Tân giữ nghề mây tre đan truyền thống ở xã Thành Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm

 
Trao đổi với Lê Đình Tân, chúng tôi được biết quê gốc của anh ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Từ năm lên mười tuổi, anh theo gia đình vào Phan Rang lập nghiệp. Cha mẹ anh có nghề đan lát mây tre đã truyền lại cho con cháu giữ lấy nghiệp nhà. Nhìn thấy thị trường thúng, rổ, nia, xàng đan thủ công ngày càng thu hẹp do không cạnh tranh được với đồ nhựa công nghiệp, anh chuyển sang nghiên cứu đan lát hộp đựng trầu cau. Nhờ đó giúp gia đình có cuộc sống ổn định, nuôi dạy con cái ăn học chu đáo. Hiện nay, anh đang lo chu cấp cho cô con gái sinh viên năm thứ ba khoa Công nghệ thực phẩm tại Phân hiệu Đại học Nông Lâm Ninh Thuận và cậu con trai út đang học lớp 8 tại Trường THCS Trần Phú.

Ông Nguyễn Thể, Trưởng Ban Quản lý thôn Cà Đú cho biết anh Lê Đình Tân là lao động có tay nghề mây tre đan tiêu biểu địa phương. Thôn Cà Đú hiện có 263 hộ với gần 1.500 nhân khẩu, khoảng 30% gia đình có việc làm ổn định. Số còn lại không có đất đai canh tác nên bà con mong muốn được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét có chương trình hỗ trợ đào tạo nghề mây tre đan nhằm tạo việc làm tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người dân thôn Cà Đú.

 Anh Lê Đình Tân cười hồn hậu, chia sẻ giữa mùa xuân mới: "Nếu địa phương tổ chức dạy nghề mây tre đan tạo việc làm cho người dân thôn Cà Đú, tôi dốc lòng truyền nghề. Bà con có thu nhập từ nghề mây tre đan bảo đảm ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng xã Thành Hải nâng cao các tiêu chí nông thôn mới”.
Theo baoninhthuan.com.vn

Có thể bạn quan tâm