Gia Lai: Kbang-Mảnh đất giàu tiềm năng du lịch

Gia Lai: Kbang-Mảnh đất giàu tiềm năng du lịch
Theo đánh giá của những người có chuyên môn, tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) là vô cùng dồi dào. Địa phương này được thiên nhiên ưu đãi lớn với rừng rậm cùng hệ thống sông ngòi, thác nước dày đặc. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là hai trong số đó.
 
Thác nước trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Sơn
Thác nước trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Sơn
Nằm trên địa bàn xã Sơn Lang, Kon Chư Răng là rừng phòng hộ đầu nguồn của sông Kôn, có độ che phủ cao nhất toàn quốc với diện tích 15.446 ha. Nơi đây chứa đựng nhiều loài động-thực vật có nguồn gen quý hiếm và đặc hữu đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như: trĩ sao, gõ kiến đầu đỏ, bồng chanh rừng, chân bơi, khướu đầu đen, khướu má trắng, voọc ngũ sắc, mang lớn, vượn má hung… Ngoài ra, trong khu bảo tồn còn có nhiều thác nước cao và khá đẹp, điển hình là thác 50 với độ cao khoảng 54 mét, quanh năm nước chảy trắng xóa. Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết: “Những năm qua, Khu bảo tồn đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt một số chương trình, dự án nhằm tạo điều kiện thu hút khách đến tham quan, thưởng lãm thiên nhiên và nghiên cứu khoa học. Cách đây 4 năm, chúng tôi cũng đã tự xây dựng một website để phục vụ cho các mục tiêu, nhiệm vụ của mình, trong đó chú trọng quảng bá rộng rãi về hình ảnh của Kon Chư Răng để phát triển du lịch sinh thái”.

Cùng với núi rừng, thiên nhiên hùng vỹ, Kbang còn biết đến là một địa phương có truyền thống đánh giặc kiên cường. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 di tích lịch sử lớn, gồm: Vườn mít-Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An); Làng kháng chiến Stơr-quê hương của Anh hùng Núp (xã Tơ Tung) và Căn cứ địa cách mạng khu 10 (xã Krong). Bên cạnh đó, địa phương cũng có một số cơ sở giáo dục lịch sử như: Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak (thị trấn Kbang), Bia tưởng niệm làng Tân Lập (xã Đak Hlơ), Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung)…
 
Hàng năm Nhà lưu niệm Anh hùng Núp đón khoảng 5.000 lượt khách đến tham quan. Ảnh: Hồng Thi
Hàng năm Nhà lưu niệm Anh hùng Núp đón khoảng 5.000 lượt khách đến tham quan. Ảnh: Hồng Thi
Theo chị Võ Thị Quỳnh Như-cán bộ quản lý Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, nơi này còn lưu giữ gần 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, kỷ vật của Anh hùng Núp và một số hiện vật mang đặc trưng văn hóa của đồng bào Bahnar, văn hóa Tây Nguyên. “Hàng năm, Nhà lưu niệm đón tiếp khoảng 5.000 lượt khách tham quan đến từ mọi miền đất nước, hầu hết là các đoàn tham quan tự do, đoàn công tác. Học sinh thuộc các trường học trên địa bàn huyện Kbang cũng thường xuyên đến đây để hiểu thêm về truyền thống lịch sử của dân tộc, địa phương mình”- chị Như cho hay.

Với những người làm nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, Kbang luôn là điểm dừng chân không thể thiếu trong suốt hành trình rong ruổi của mình. Bởi lẽ, cảnh sắc thiên nhiên giàu đẹp, văn hóa cộng đồng đặc sắc cùng sự thân thiện của con người Kbang đã tạo cho họ nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Sơn (tổ dân phố 6, thị trấn Kbang, huyện Kbang) chia sẻ: “30 năm làm nghề, tôi cũng có đi rất nhiều nơi để chụp ảnh, song Kbang luôn thôi thúc tôi quay về. Không chỉ tôi mà cả bạn bè tôi cũng phải công nhận, bản sắc của đồng bào Bahnar tại địa phương chẳng khác nào một kho vàng. Riêng về sinh thái, tôi thấy Kbang còn có hệ thống thác nước rất quý, còn nguyên sinh, trọn vẹn, hút hồn những ai đã từng đặt chân đến chiêm ngưỡng. Đó là tiềm năng lớn mà chúng ta có thể nắm bắt để phát triển du lịch”.
 
Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt cho biết: Để phát huy tiềm năng du lịch sẵn có, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến duy trì, bảo tồn cồng chiêng Tây Nguyên và các nghề truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng... Song song với đó, huyện đã đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng vào quy hoạch chung của tỉnh về du lịch sinh thái; khai thác du lịch “về nguồn”…Hiện tại, huyện cũng đang có kế hoạch đầu tư tuyến đường khoảng 7 km từ trung tâm huyện lên thác Hang Dơi (thuộc thị trấn Kbang) và tiếp đó sẽ mời gọi đầu tư du lịch cho địa điểm này.
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm