Du lịch Việt Nam nâng cao hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế

Du lịch Việt Nam nâng cao hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế
Năm 2018, ngành Du lịch Việt Nam sẽ tập trung giải quyết những điểm “nghẽn” để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đúng như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Những người làm văn hóa sẽ tiếp tục chung sức cùng nhân dân - chủ nhân của di sản trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản để di sản thực sự trở thành tài sản...

Tập trung giải quyết 4 điểm “nghẽn”

Tại Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu rõ: Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã giao cho ngành Du lịch chỉ tiêu tăng trưởng 15-17 triệu lượt khách quốc tế. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng rất quan trọng. Ngành Du lịch sẽ phấn đấu đạt mục tiêu được giao, đạt ít nhất 16-17 triệu lượt khách quốc tế, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong năm 2017. Trong năm 2018, ngành Du lịch dự kiến phục vụ khoảng 78 triệu khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng tương đương 27,5 tỷ USD.

Hiện nay, du lịch được coi là xu hướng tất yếu và là được xác định là ngành “công nghiệp không khói” mang về một nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chặng đường phát triển của ngành Du lịch nước ta vẫn còn đối diện nhiều thách thức để theo kịp tốc độ của một số nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia…Với mức tăng trưởng 16 -17 triệu lượt khách quốc tế, Việt Nam sẽ đuổi kịp Indonesia về mức độ tăng trưởng khách quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018. Ảnh: Thành Đạt -TTXVN
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2018. Ảnh: Thành Đạt -TTXVN

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nêu rõ: Kết quả năm 2017 mới chỉ là bước đầu, chưa xứng đáng với tài nguyên, điều kiện mà Việt Nam đang có, khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Ngành Du lịch còn nhiều điểm nghẽn, rào cản cũng như hạn chế yếu kém cần tháo gỡ, khắc phục, trong đó có những vấn đề nội tại của ngành như: phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, kiểm soát chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản lý điểm đến…

Để du lịch theo kịp tốc độ của một số nước phát triển, trong năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định: Ngành Du lịch cần tiến hành động bộ các giải pháp trên nhiều mặt. Trong đó, ngành Du lịch cần tập trung giải quyết 4 điểm “nghẽn” nhằm thu hút khách quốc tế đến nước ta. Đó là các điểm nghẽn về: chính sách visa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách; quảng bá – xúc tiến; kết nối hàng không và cải thiện dịch vụ mặt đất; quản lý điểm đến nhằm xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thân thiện và an toàn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay: Nhiệm vụ đón 16-17 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2018 là hết sức nặng nề, đòi hỏi toàn ngành Du lịch phải chủ động, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, lĩnh vực liên quan, các địa phương, nhất là địa bàn trọng điểm du lịch nhằm duy trì đà tăng trưởng khách quốc tế, nội địa. Ngay từ đầu năm 2018, Tổng cục Du lịch đã chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm, đổi mới các hoạt động xúc tiến để nâng cao hiệu quả. Các tỉnh, thành phố cần liên kết chặt chẽ trong tổ chức hoạt động xúc tiến, không nên tổ chức riêng rẽ.

Ngành Du lịch hợp tác chặt chẽ với hàng không trong nước, quốc tế để tăng tần suất các đường bay đã có, thiết lập đường bay mới từ các thị trường trọng điểm đến các điểm đến còn nhiều dư địa phát triển như Phú Quốc, Đà Nẵng, Cát Bi, Huế, Vân Đồn. Mặt khác, ngành Du lịch xác định cần tăng cường quản lý điểm đến, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch. Đây là vấn đề quan trọng cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan bởi việc này thực chất là hoạt động xúc tiến tại chỗ, nhằm hướng tới sự hài lòng của du khách.

Dự án cáp treo An Thới - Hòn Thơm (Phú Quốc) dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2018. Lê Huy Hải - TTXVN
Dự án cáp treo An Thới - Hòn Thơm (Phú Quốc) dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2018. Lê Huy Hải - TTXVN

Toàn ngành Du lịch cũng sẽ duy trì, tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về du lịch, khắc phục những hạn chế yếu kém mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra, trong đó tập trung khắc phục những hạn chế trong quản lý hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, kiểm soát chất lượng dịch vụ, quản lý điểm đến. Đặc biệt, trong năm 2018, ngành Du lịch phối hợp với các địa phương thực hiện, tạo chuyển biến đột phá với hai vấn đề cụ thể là: hoàn thành đầu tư nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm, khu du lịch; phát động phong trào sinh viên tình nguyện tham gia làm hướng dẫn viên du lịch tại các địa bàn đông khách du lịch, khắc phục tình trạng thiếu hướng dẫn viên…

Để Di sản thực sự là tài sản

Trong năm 2017, ngành Văn hóa đón nhận tin vui kép khi mà có thêm hai di sản văn hóa truyền thống được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại. Đó là “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; “Hát Xoan Phú Thọ” được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: Việc hai di sản văn hóa truyền thống là Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chuyển tải các thông điệp về tình yêu quê hương đất nước và sự gắn kết cộng đồng. Qua đó cũng ghi nhận việc Việt Nam hết sức tôn trọng sự đa dạng văn hóa, bản sắc văn hóa mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc và vai trò của cộng đồng với sáng tạo văn hóa. Đây cũng là sự ghi nhận đối với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể xã hội đã chung tay góp sức giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc.

Ngày 7/12/2017, Nghệ thuật Bài Chòi đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong ảnh: Nghệ nhân – “anh hiệu” Nguyễn Đáng trong một buổi biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi ở phố cổ Hội An (Quảng Nam). Anh là người hô hát sử dụng kỹ thuật nhấn, luyến, nói để gây cười, làm cho không khí của trò chơi dân gian Bài Chòi trở nên sôi động. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Ngày 7/12/2017, Nghệ thuật Bài Chòi đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong ảnh: Nghệ nhân – “anh hiệu” Nguyễn Đáng trong một buổi biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi ở phố cổ Hội An (Quảng Nam). Anh là người hô hát sử dụng kỹ thuật nhấn, luyến, nói để gây cười, làm cho không khí của trò chơi dân gian Bài Chòi trở nên sôi động. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Như vậy, Việt Nam đã có 11 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại và một di sản cần được bảo vệ khẩn cấp là ca trù. Cùng với các tài nguyên khác, đây sẽ là nguồn tài nguyên phong phú cho phát triển du lịch, nhất là ở các địa phương. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với việc bảo tồn, Việt Nam cần cố gắng phát huy các giá trị các di sản văn hóa, mang lại giá trị kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch, tạo nguồn thu cho nhân dân để di sản thực sự là tài sản.

Để làm được điều đó, ngành Văn hóa cần tiếp tục xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp với hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong thời kỳ giao lưu, hội nhập.  Mặt khác, các đơn vị chức năng cần tăng cường kết nối, phối hợp nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên ngành trong các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục xây dựng, mở rộng mạng lưới liên kết các tổ chức, các câu lạc bộ, nghệ nhân tiêu biểu, nhà nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể để chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nhận diện, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; duy trì và phát triển các biện pháp trong truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch duy trì, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về di sản văn hóa nói chung và bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, tạo điều kiện giới thiệu, tôn vinh di sản, cộng đồng nhân dân là chủ thể văn hóa được giao lưu, học hỏi với bạn bè quốc tế…
Thanh Giang

Có thể bạn quan tâm