Đà Nẵng chú ý phát triển du lịch sinh thái

Đà Nẵng chú ý phát triển du lịch sinh thái
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng, hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Nơi đây sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên ban tặng như có những con suối rộng và nông, cảnh quan đẹp vẫn nguyên vẹn nét hoang sơ chưa bị khai thác và thương mại hóa…

Bên cạnh đó, có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn như ẩm thực dân tộc Cơtu, nghề truyền thống, nhà gươl, các lễ hội văn hóa, các tiết mục múa cồng chiêng, múa tung tung dza dzá (điệu múa của người Cơtu) mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc..., dễ dàng tạo sức hút du khách. Tuy nhiên, hiện nay, tiền năng này chưa được khai thác hiệu quả, chỉ lác đác mới có khách đến Tà Lang và Giàn Bí, nhưng không lưu trú vì thiếu các dịch vụ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Đà Nẵng chú ý phát triển du lịch sinh thái ảnh 1
Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng đông. Ảnh minh họa: danangtour.vn

Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng cho thấy, ngoài những tài nguyên thiên nhiên vốn có, sản phẩm du lịch cộng đồng bao gồm các hoạt động mà khách du lịch sẽ tham gia cùng cộng đồng dân cư và có các dịch vụ bổ trợ nhằm tăng thêm trải nghiệm cho khách, như dịch vụ homestay (dịch vụ khám phá văn hóa tại các vùng đất mới), đi bộ tham quan làng bản, tắm suối, học nấu ăn, học bắn nỏ, ném lao, dệt vải truyền thống…

Điểm đến Tà Lang, Giàn Bí vẫn rất mới nên còn nhiều khó khăn, vì hoạt động du lịch sinh thái mới chỉ dừng lại ở du lịch dựa vào thiên nhiên; nguồn nhân lực cho du lịch cộng đồng tại địa phương còn hạn chế (điều hành, quản lý, hướng dẫn viên…), người dân chưa có kỹ năng làm du lịch; cơ sở vật chất phục vụ du lịch sinh thái hạn chế. Hơn nữa, đối tượng khách mà người dân phục vụ dự kiến đa phần là người nước ngoài, nên ngôn ngữ cũng là một bài toán cần giải quyết…

Chính vì vậy, Ban Điều hành Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam đã xây dựng Đề án “Bảo tồn văn hóa đồng bào Cơtu gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng” tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Đề án tiến hành tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) trong hai năm 2017-2018, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Đến nay, đề án đã triển khai thực hiện nhiều chương trình như: Tập huấn cho đồng bào Cơtu về cách sống, sinh hoạt hợp vệ sinh, tạo không gian tốt thu hút khách du lịch; thành lập tổ quản lý, bảo vệ rừng; mua cồng chiêng, trang phục truyền thống, hỗ trợ hoạt động của nhóm văn nghệ.

Đà Nẵng chú ý phát triển du lịch sinh thái ảnh 2
Thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Ảnh minh họa: foody.vn

Thời gian tới, Ban điều hành Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trang bị kỹ năng chuyên sâu cho người dân về việc tiếp đón, hướng dẫn khách du lịch; hỗ trợ máy vi tính, các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương; phát triển du lịch sinh thái cộng đồng trên cơ sở bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Cơtu; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch tại địa phương và tạo liên kết chuỗi sản phẩm du lịch với các địa phương liên quan…

Cách trung tâm Đà Nẵng hơn 40km, ở gần điểm cuối cùng của xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), Khu du lịch sinh thái Lái Thiêu lại đang là điểm đến mới nổi, thu hút đông người dân địa phương và du khách thập phương. Do mới đi vào hoạt động nên các dịch vụ ở đây chưa nhiều, chủ yếu là tắm suối và thăm vườn cây ăn trái…, nhưng dịp cuối tuần có đông khách đến vui chơi.

Chủ nhân Khu du lịch sinh thái Lái Thiêu là một bác sĩ tên Võ Đắc Truyền, do yêu thích cây cối nên năm 2003, anh đã mua mảnh đất này và trồng cây. Ngoài thời gian công tác chuyên môn, suốt hơn 10 năm qua, lúc rảnh rỗi anh lại đi tìm các giống cây ở tỉnh khác về trồng. Khu du lịch sinh thái của anh hiện có gần 130 loại cây ăn trái, có cả những loại cây hầu như rất ít thấy như cây chay, cây bứa, cây trâm, dủ dẻ, cò ke, thị nhung… Có những loại cây anh phải lặn lội lên tận Lào Cai, Sơn La mới mang về được như các loại hồng, đào; hay phải vào tận Tịnh Biên, An Giang để có được giống cây thốt nốt… Sau hơn 10 năm, giờ đây, trong vườn cây của anh Võ Đắc Truyền, nhiều loại cây đã bắt đầu cho ra trái và đưa vào sử dụng từ tháng 8 vừa qua với tên gọi Khu du lịch sinh thái Lái Thiêu./.
Văn Sơn

Có thể bạn quan tâm