Côn Sơn - Kiếp Bạc linh thiêng và hữu tình

Côn Sơn - Kiếp Bạc linh thiêng và hữu tình
Quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Vùng đất lịch sử còn mãi âm vang những chiến công lừng lẫy trong ba lần quân dân nhà Trần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Côn Sơn - Kiếp Bạc còn là vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính, gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ cho non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc.

Côn Sơn - Kiếp Bạc linh thiêng và hữu tình ảnh 1
Khu di tích quốc gia Côn Sơn -  Kiếp Bạc hàng năm thu hút rất nhiều lượt khách đến tham quan, chiêm bái

Côn Sơn là mảnh đất có bề dày văn hóa hiếm có. Ở đây, văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo và văn hóa Lão giáo cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ, để lại dấu ấn qua mỗi công trình xây dựng, qua từng chi tiết kiến trúc trên các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối…

Di sản văn hóa phi vật thể quý giá ở Côn Sơn lưu giữ trong sách vở, trong các truyền thuyết và các nghi thức cúng tế, trong các hoạt động lễ hội vô cùng phong phú. Hiếm ở đâu có nhiều trí thức, những nhà văn hóa đến thăm viếng như ở Côn Sơn. Trần Nguyên Đán - quan Đại tư đồ phụ chính, nhà thơ, nhà lịch pháp lớn thời Hậu Trần đã về Côn Sơn dựng Thanh Hư động để lui nghỉ những năm tháng cuối đời.

Thời Lê sơ, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã gắn bó cả cuộc đời, sự nghiệp với Côn Sơn. Lê Thánh Tông, vị minh quân và là Tao Đàn nguyên súy (thời Lê sơ); Thánh thơ Cao Bá Quát (thời Nguyễn)... đều đã đến đây vãng cảnh, làm thơ, để lại những thi phẩm giá trị. Tháng 2 năm 1965, Hồ Chủ tịch về thăm Côn Sơn. Người đã lên thăm Thạch Bàn, Thanh Hư động và đọc văn bia trước cửa chùa Hun, bằng sự trân trọng thiêng liêng và niềm giao cảm đặc biệt với cổ nhân. Cảnh sắc thiên nhiên và con người tạo dựng đã làm cho Côn Sơn thành một “Đại thắng tích”. Ở đây, có núi Kỳ Lân và Ngũ Nhạc, với rừng thông bát ngát, suối chảy rì rầm, nước hồ trong mát; có Bàn Cờ Tiên, Thạch Bàn, Giếng Ngọc, có Ngũ Nhạc linh từ...

Côn Sơn - Kiếp Bạc linh thiêng và hữu tình ảnh 2
Côn Sơn - Kiếp Bạc là vùng danh sơn huyền thoại, với những thắng cảnh tuyệt vời

Kiếp Bạc là một địa danh lừng lẫy bên Lục Đầu Giang, cách Côn Sơn chừng 5 cây số. Nơi đây trời bày, đất dựng, vị trí đắc địa về phong thủy, hình thế hiểm yếu về quân sự, có tứ linh quần tụ, chung đúc khí thiêng. Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất năm (1258), Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo đã chọn Kiếp Bạc lập đại bản doanh; xây dựng phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn qua ải Chi Lăng, Nội Bàng theo sông Lục Nam, qua Lục Đầu Giang, Bạch Đằng ra biển Đông... trong đó căn cứ địa Vạn Kiếp làm trung tâm chỉ huy.

Đất nước thanh bình, Trần Hưng Đạo đã về ở hẳn tại tư dinh Vạn Kiếp cho tới cuối đời. Tại đây, Đại Vương đã viết “Binh gia diệu lý yếu lược” để dạy tướng sỹ, và viết “Vạn Kiếp tông bí truyền thư”, đúc kết những kinh nghiệm, những bí quyết đánh giặc giữ nước của một đời cầm quân truyền lại cho hậu thế.

Năm Canh Tý 1300, Đại Vương mất tại Kiếp Bạc. Triều đình đã tôn phong là Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương; nhân dân Đại Việt tôn ngài là Đức Thánh Trần, xây đền Kiếp Bạc để tưởng nhớ công lao to lớn đối với non sông, đất nước. Ngày giỗ Đại Vương hàng năm trở thành ngày chính hội đền Kiếp Bạc và là một trong số lễ hội lớn nhất của cả nước được gìn giữ hơn 7 thế kỷ nay, thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Với những giá trị lịch sử, văn hoá của Côn Sơn - Kiếp Bạc, cùng với danh thơm, sự nghiệp của các bậc vĩ nhân đã tỏa hào quang vào lịch sử và văn hoá dân tộc, trường tồn cùng non sông đất nước.
Theo baodienbienphu.info.vn

Có thể bạn quan tâm