Cập nhật nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch

Cập nhật nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch
Khách du lịch có xu hướng lựa chọn các điểm đến được trải nghiệm cùng người dân bản địa. Ảnh: internet
 Khách du lịch có xu hướng lựa chọn các điểm đến được trải nghiệm cùng người dân bản địa. Ảnh: internet

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Trong năm 2016 có 1,2 tỷ lượt người trên thế giới đi du lịch. Trong năm 2017, du lịch toàn cầu sẽ tiếp tục phát triển bất chấp tình hình bất ổn, khủng hoảng, dịch bệnh. Trong đó, châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Khách du lịch có xu hướng lựa chọn các điểm đến được trải nghiệm cùng người dân bản địa; các dòng khách khác nhau cũng có những nhu cầu khác nhau… Để thu hút khách, ngành du lịch, nhất là các cơ quan quản lí, doanh nghiệp cần có thông tin định hướng làm cơ sở để có kế hoạch, chiến dịch phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng. 

Tại hội thảo, các đại biểu đề cập đến các nội dung: Những yêu cầu đặt ra cho phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; cách mạng công nghiệp 4.0 và những thay đổi trong kinh doanh du lịch; E-marketing-yếu tố tăng cường năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam; đổi mới trong xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch; xu hướng các dòng khách du lịch quốc tế đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam; các nhân tố tác động đến xu hướng tiêu dùng du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế… 

Thông tin từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho thấy: Xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet để quyết định chuyến đi và các hoạt động du lịch ngày càng gia tăng. Hơn 40% lệnh tìm kiếm du lịch trực tuyến được thực hiện từ điện thoại cầm tay. Các ứng dụng trên điện thoại thông tminh đang dần thay thế chức năng hướng dẫn khách hàng tại khách sạn. Người sử dụng tiện ích của mạng xã hội, các website đánh giá tin tưởng vào nội dung được đăng tải từ bạn bè, người thân, thông tin truyền miệng… Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đặt ra cho ngành du lịch cần nhanh chóng phát triển theo hướng số hóa thành du lịch thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ, tạo ra, cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tốt nhất, làm cho khách hài lòng nhất khi đến với Việt Nam. 

Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) khẳng định: Tận dụng, khai thác các ứng dụng công nghệ số là một yêu cầu bắt buộc với ngành du lịch để tránh tụt hậu. Theo kết quả khảo sát thực trạng ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch đã khá năng động trong ứng dụng công nghệ số để quản trị, phát triển du lịch. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước chưa ý thức được sự cần thiết, tham gia rất hạn chế vào lĩnh vực này, do đó mô hình và cách thức quản lí lạc hậu, không theo kịp thực tế phát triển ngành và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thanh Giang 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm