Cao nguyên đá, độc đáo di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Cao nguyên đá, độc đáo di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Các chàng trai, cô gái Mông múa khèn tại Phố cổ Đồng Văn.
Các chàng trai, cô gái Mông múa khèn tại Phố cổ Đồng Văn.
Trong không gian bao la, hùng vĩ của Cao nguyên đá, lễ hội của mỗi dân tộc được tổ chức theo những nghi thức, thời gian khác nhau, song đều có điểm chung mang ý nghĩa cầu mong cho cộng đồng, gia đình làm ăn phát đạt, sống hạnh phúc, ấm no, mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt... Nhờ ý nghĩa nhân văn đó mà các lễ hội, phong tục của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có sức sống bền bỉ qua rất nhiều thế hệ cho tới ngày nay.

Đến Hà Giang, du khách không chỉ được ngắm nhìn sự đa dạng của những bộ trang phục truyền thống các dân tộc Pà Thẻn, Mông, Dao, Pu Péo, Lô Lô... mà còn được chìm đắm trong không gian văn hóa độc đáo của “xứ đá” với âm thanh sống động từ tiếng khèn, trống, điệu hát dân ca; lòng hiếu khách của những người dân vùng cao chất phác, quanh năm kiên trì bám trụ trên mảnh đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc.

Nét độc đáo của các lễ hội vùng cao đó là nhiều khi nó được tổ chức ngay trong một gia đình, dòng họ nhưng lại mang tính cộng đồng rất cao. Tiêu biểu là Lễ Cấp sắc của người Dao ở Quản Bạ, được tổ chức tại những gia đình có con trai từ 10 – 16 tuổi. Mặc dù buổi lễ chỉ tổ chức ở trong một gia đình nhưng lại thu hút sự tham gia của cả cộng đồng thôn, bản. Đây là buổi lễ quan trọng đánh dấu bước ngoặt cuộc đời của chàng trai; có ý nghĩa răn dạy người đàn ông phải sống trách nhiệm với gia đình, dòng họ, không được làm những việc xấu... Vào dịp này, cả thôn sẽ đến nhà gia chủ giúp đỡ làm lễ, ăn mừng sự kiện trọng đại của gia đình đó suốt 3 ngày đêm. Đây được xem như cơ hội để củng cố tình đoàn kết cộng đồng, là nơi mọi người gặp gỡ, trao đổi, hát, múa các làn điệu dân ca.

Ngược lên huyện Yên Minh, bạn sẽ bắt gặp không gian lễ hội mùa Xuân với sắc màu sặc sỡ của những bộ váy áo thiếu nữ Mông; những điệu khèn da diết, trầm bổng của các chàng trai cùng với cây nêu cao vút báo hiệu Lễ Gầu tào bắt đầu. Nghệ nhân dân gian Hạ Mí De, ở xã Đường Thượng (Yên Minh), cho biết: “Gầu tào là lễ hội đặc sắc nhất của người Mông (trong tiếng Mông Lễ Gầu tào có nghĩa là lễ chơi đồi, núi) và còn được xem là Lễ Cầu tự (tức là cầu có con trai), thường được tổ chức vào đầu năm để cầu phúc cho cả làng”. Từ mùng 3 đến mùng 9 tháng Giêng (âm lịch), một gia đình không có con trai trong làng sẽ tổ chức buổi lễ và làm liên tục trong 3 năm liền. Mọi người sẽ cùng vui chơi thi múa khèn đá chân, thổi đấu các bài khèn, hát đối dân ca giao duyên hay đẩy gậy, kéo co... Đây là dịp cho các chàng trai, cô gái người Mông có cơ hội gặp gỡ, hẹn hò. Cũng là nơi mọi người vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả. Bên nồi thắng cố thơm lừng bốc khói nghi ngút, mọi người cùng nâng chén rượu ngô nồng ấm và dốc bầu tâm sự...

Tới Đồng Văn, Lễ cúng Thần rừng của người Pu Péo ở xã Phố Là được tổ chức vào mùng 6.6 (âm lịch) mang đầy ý nghĩa nhân văn của một cộng đồng người sống nhờ vào rừng núi. Với họ, bảo vệ những khu rừng cấm đầu nguồn cũng chính là cách bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Buổi lễ là dịp giáo dục ý thức cho các thế hệ về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống tự nhiên xung quanh con người. Một buổi lễ khác là Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô ở làng Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, vào tháng Bảy (âm lịch) hàng năm; cũng mang nét đặc biệt khi trong buổi lễ người dân sẽ hóa trang với trang phục cỏ rừng để nhảy múa, với niềm tin sẽ bày tỏ được tấm lòng của họ đến với tổ tiên, cầu mong phù hộ cho con cháu, gia đình, dòng họ và bản làng ấm no, hạnh phúc. Đến Hà Giang vào dịp lễ hội là cơ hội tốt nhất cho những ai muốn trải nghiệm nét đẹp của phong cảnh và con người nơi đây.
Báo Hà Giang

Có thể bạn quan tâm