Cảm nhận mùa xuân từ A Pa Chải

Cảm nhận mùa xuân từ A Pa Chải
Đường mới mở sẽ giúp cho cán bộ chiến sỹ và du khách thuận tiện trong việc tuần tra cũng như tham quan. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Đường mới mở sẽ giúp cho cán bộ chiến sỹ và du khách thuận tiện trong việc tuần tra cũng như tham quan. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Chinh phục không đơn giản

6 tiếng đồng hồ ngồi trên xe khách mới vượt qua được quãng đường khoảng 250 km từ thành phố Điện Biên Phủ để đến được trung tâm huyện Mường Nhé. Sau cuộc phỏng vấn với ông Chủ tịch UBND huyện Lù Văn Thanh về tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, chúng tôi ngỏ ý muốn trải nghiệm A Pa Chải vào sáng hôm sau. Chủ tịch huyện rất hào hứng, nhưng cũng không quên dặn chúng tôi mang theo nước uống và đồ ăn dọc đường, kèm lời chúc “chân cứng đá mềm”.

Cũng đúng thôi vì A Pa Chải nằm trên đỉnh Khoan La San có độ cao 1.866 m nên chẳng dễ gì leo được. Nhiều người đã phải “bỏ cuộc” giữa chừng vì không đủ sức khỏe, kiên nhẫn để chinh phục!

Tuy đường mới mở dễ đi nhưng du khách vẫn rất vất vả khi vượt qua những con dốc quanh co. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
 Tuy đường mới mở dễ đi nhưng du khách vẫn rất vất vả khi vượt qua những con dốc quanh co. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Đúng 7 giờ sáng ngày hôm sau, chiếc xe ô tô đưa chúng tôi lên A Pa Chải xuất phát từ trung tâm huyện Mường Nhé. Quãng đường từ trung tâm huyện Mường Nhé đến chân núi Khoan La San chỉ khoảng 60 km, nhưng nhiều đoạn cua rất khó đi nên xe đi rất chậm. Lái xe cũng phải thực sự rất thuộc đường, nếu không chuyện đâm vào vách núi hay lao xuống vực sâu hai bên đường rất dễ xảy ra. Có đi tôi mới hiểu được câu nói, quãng đường từ Hà Nội lên Điện Biên không vất vả bằng từ Điện Biên lên huyện Mường Nhé, A Pa Chải quả không sai.

Giao thông khó khăn, nhưng không vì thế mà mất đi cảm nhận về vẻ đẹp vốn có của núi rừng Tây Bắc Tổ quốc. Không gian ở đây thật yên ả, không bị vẩn đục bởi ô nhiễm hay tiếng ồn ào tàu xe như ở thành phố. Đẹp nhất là hai bên đường, những chùm hoa Dã quỳ nở vàng rực, tươi mới và đầy sức xuân. Đến đây, tôi cảm giác như được hòa mình vào thiên nhiên, đắm mình trong cảm xúc trong vắt của mùa Xuân.

10 giờ 30 phút trưa, xe dừng tại Đồn Biên phòng A Pa Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Sau ít phút trò chuyện và nghe các chiến sĩ đồn biên phòng dặn dò, chuẩn bị một vài vật dụng cần thiết cho cuộc hành trình, chúng tôi lại tiếp tục lên xe, chạy về hướng cột mốc số 0.

Thảm thực vật phong phú trên cung đường lên cột mốc. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Thảm thực vật phong phú trên cung đường lên cột mốc.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Đi cùng chúng tôi là chiến sĩ biên phòng Lường Văn Quang - Đồn Biên phòng A Pa Chải và 2 dân quân tự vệ người dân tộc Hà Nhì. Họ mang theo một ba lô bánh mì và nước lọc, có lẽ vì biết chúng tôi chưa chuẩn bị kỹ hành trang cho chuyến đi này. Đúng vậy, vì chưa từng lên A Pa Chải nên cũng không hình dung được đoạn đường đi bộ ấy khó khăn như thế nào. Chỉ đến khi chiếc ô tô đỗ xịch trước chân núi, bước ra khỏi xe, ngước lên là bầu trời và cúi xuống là vực sâu, tôi mới lờ mờ cảm nhận được chinh phục A Pa Chải không hề đơn giản.

Chiến sĩ biên phòng Lường Văn Quang chia sẻ, trước đây muốn lên được mốc số 0 phải đi bộ hơn 8 km qua bản Tá Miếu. Còn bây giờ, con đường trải nhựa từ trung tâm huyện Mường Nhé đã dài hơn 60 km, qua bản Tá Miếu và đồn A Pa Chải nên quãng đường đi bộ đã ngắn hơn rất nhiều. Chỉ phải đi bộ khoảng 4 km đường rừng, nhưng đó là đoạn đường thực sự rất khó đi.

Để leo lên được những vách núi, có những lúc chúng tôi phải bám thật chặt tay vào rễ cây rừng và đu người lên. Lên dốc rồi lại xuống dốc, cứ liên tục như thế, có những lúc không thể đi bằng hai chân, chúng tôi phải bò bằng cả hai tay hoặc trườn người ra phía trước. Đi được đoạn đường khoảng 200 m, tôi thấy mình không chỉ thở ra bằng mũi, bằng mồm mà phải thở cả bằng tai và da.

Du khách có thể chìm vào những cánh rừng rậm rạp quanh co đồi núi. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Du khách có thể chìm vào những cánh rừng rậm rạp quanh co đồi núi.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Trải qua 4 tiếng đồng hồ leo núi, chúng tôi đã chinh phục được A Pa Chải. Mọi cảm giác mệt mỏi tan biến khi được tận tay chạm vào mốc số 0, nơi phân chia ranh giới 3 nước Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Sau khi làm lễ chào cờ, hát Quốc ca, ngắm thật lâu dòng Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, cảm thấy dâng dâng lòng tự hào dân tộc.

Niềm vui của người lính

Đứng từ mốc số 0 ở A Pa Chải nhìn xuống, chúng tôi cảm nhận được sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc và trân trọng từng tấc đất quê hương mình. Trân trọng phút giây hòa bình mà đất nước có được ngày hôm nay. Càng trân trọng bao nhiêu, lại càng cảm thấy biết ơn những người lính biên phòng nói chung và những người lính biên phòng ở đồn A Pa Chải nói riêng. Họ ngoài nhiệm vụ bảo vệ từ cột mốc số 0 đến cột mốc số 8, có đường biên giới giao với nước bạn Lào và Trung Quốc, còn phải thực hiện nhiệm vụ kết nối quân - dân, tuyên truyền để người dân hiểu hơn về chủ quyền biên giới.

Cây phong lá đỏ nằm trong khu rừng trên đường lên cột mốc số 0. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Cây phong lá đỏ nằm trong khu rừng trên đường lên cột mốc số 0.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Những năm gần đây, người dân từ khắp nơi trên đất nước biết đến và chinh phục A Pa Chải ngày một nhiều hơn, nhất là vào mùa Xuân hay những dịp lễ Tết. Đồn phó Đồn Biên phòng A Pa Chải, Thiếu tá Chu Trần Việt cho biết, mỗi năm Đồn đón hơn 1.000 lượt khách du lịch đến thăm A Pa Chải.

Mỗi khi có đoàn lên, các chiến sĩ biên phòng lại trở thành “hướng dẫn viên du lịch”. Không chỉ đưa đoàn đến tận nơi và trở về an toàn, trên đường đi các chiến sĩ cũng tích cực hỗ trợ người dân mang vác tư trang cá nhân và đưa họ leo qua những đoạn dốc khó. Họ cũng chính là người kể những câu chuyện, pha trò, giúp cho đoạn đường hơn 4 km đường rừng ngắn lại và truyền cho người dân nghị lực để tiếp tục chinh phục A Pa Chải.

Đoạn đường đi vất vả là thế, những hành khách như chúng tôi đi tay không còn cảm thấy mệt, nhưng các chiến sĩ biên phòng họ vừa mang vác đồ đạc, dụng cụ tác nghiệp cho chúng tôi như máy quay, máy ảnh, đồ ăn và nước uống, vừa kể cho chúng tôi nghe không khí gói bánh chưng và ăn Tết ở đơn vị, giúp chúng tôi quên đi mệt mỏi và có thêm quyết tâm đi đến tận cùng của cuộc hành trình.

Chiến sĩ biên phòng Lường Văn Quang nói: “Thêm một người dân biết đến mốc số 0, A Pa Chải là niềm vui của các chiến sĩ biên phòng lại được nhân lên”. Thế mới thấy, niềm vui của những người lính thật đơn giản!

Cảnh hùng vĩ khi ngắm nhìn từ đỉnh núi Khoan La San. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Cảnh hùng vĩ khi ngắm nhìn từ đỉnh núi Khoan La San.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Kết thúc cuộc hành trình, chúng tôi quay lại Đồn Biên phòng A Pa Chải đã là khoảng 18 giờ, sau những câu chuyện về cuộc hành trình, chúng tôi được các chiến sĩ mời ăn bữa cơm ngay tại đồn. Cũng chỉ là những món ăn hàng ngày như rau, thịt lợn, cá, chỉ có điều khác đây là những sản phẩm do chính các chiến sĩ tự nuôi trồng và chế biến nên đó là những sản phẩm sạch tuyệt đối, không chất bảo quản và chất chứa tình cảm quân dân.

Bữa cơm đầu tiên của tôi với những người lính biên phòng A Pa Chải giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về tình quân dân. Thêm yêu những người lính biên phòng.

Mùa Xuân A Pa Chải đẹp không chỉ bởi sắc vàng rực rỡ của những cánh hoa Dã quỳ nở dọc hai bên đường mà còn bởi tình cảm chân thành, nồng ấm của những người chiến sĩ biên phòng dành cho khách du lịch đặt chân đến đây. Vẻ đẹp của mùa Xuân, của núi rừng và của tình người hòa quện vào nhau thật ấm áp!
Thúy Hiền

Có thể bạn quan tâm