Bệnh Parkinson có thể bắt nguồn từ ruột thừa

Bệnh Parkinson có thể bắt nguồn từ ruột thừa
Nghiên cứu trên do các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu Van Andel tại Michigan (Mi-si-gân), Mỹ thực hiện. Họ đã tìm hiểu hồ sơ sức khỏe của khoảng 1,7 triệu người ở Thụy Điển và gần 850 người ở Mỹ, theo đó nhận thấy ở những người đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa từ khi còn trẻ nguy cơ mắc hội chứng rối loạn mô thần kinh giảm tới 19%.

Theo nhà nghiên cứu Viviane Labrie (Vi-vi-an La-bri) tại Trung tâm nghiên cứu Van Andel, trong số những người có dấu hiệu bệnh Parkinson, nhóm nghiên cứu đã phát hiện rằng độ tuổi bắt đầu mắc bệnh này ở những người đã cắt bỏ ruột thừa chậm lại trung bình 3,6 tuổi. Từ đó, các nhà khoa học cho rằng ruột thừa có thể đóng một vai trò khiến bệnh Parkinson phát triển.

Các nhà khoa học cho rằng trong ruột thừa có chứa vi khuẩn đường ruột, liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch và dường như đóng vai trò là điểm "tập kết" protein alpha-synuclein có liên quan đến bệnh Parkinson. Thông thường, những bệnh nhân Parkinson thường bị các chứng rối loạn dạ dày-đường ruột, như bị táo bón, trong vòng ít nhất 10 năm trước khi có các triệu chứng đặc trưng của bệnh Parkinson như run chân tay, cứng cơ. Dựa vào đặc điểm này, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu kỹ vai trò của ruột thừa đối với bệnh Parkinson và nhận thấy rằng hàu hết mọi người đều có dấu hiệu có protein alpha-synuclein trong ruột thừa, song không phải ai cũng bị mắc bệnh Parkinson. Lý giải hiện tượng này, bà Labrie cho hay trên thực tế, protein alpha-synuclein không ở nguyên một chỗ mà có thể di chuyển từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh khác, và trong những trường hợp hiếm thấy, nếu nó có thể di chuyển ra khỏi ruột thừa và lên não thì có thể gây bệnh Parkinson.

Nhóm nghiên cứu trên cho rằng đây có thể cơ sở để phát triển các thuốc đặc trị, giúp giảm lượng protein alpha-synuclein tích tụ trong ruột thừa, qua đó giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh họ không khuyến khích bất cứ ai cắt bỏ ruột thừa để giảm nguy cơ mắc bệnh vì cần tiến hành nghiên cứu thêm.

Theo Giáo sư Kevin McConway (Kê-vin Mắc-con-uây) thuộc Đại Học Open, một số nghiên cứu trước đó đã tìm hiểu về sự liên quan giữa việc cắt bỏ ruột thừa với một số bệnh lý khác, bao gồm cả các bệnh về tim mạch và đường ruột. Theo đó, đối với một số bệnh, cắt bỏ ruột thừa liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh, song đối với một số bệnh khác, trong đó có bệnh tim, cắt bỏ ruột thừa liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nghiên cứu mới nói trên cũng giúp các nhà khoa học biết thêm về sự liên quan chặt chẽ giữa não và ruột. Theo nhà khoa học Patrik Brundin (Pa-trích Brun-đin) tại Viện nghiên cứu Van Andel, một số nhà nghiên cứu gọi ruột là bộ não thứ hai vì ở ruột cũng có rất nhiều tế bào thần kinh.
Thanh Hương

Có thể bạn quan tâm