Nghề làm nong, né nuôi tằm ở Nam Ban

Nghề làm nong, né nuôi tằm ở Nam Ban
Đến với tổ dân phố Từ Liêm 2 vào những ngày nắng, người đi đường có thể thấy hàng dãy cót, nong, tre cật… được phơi khắp đường. Đó chính là nguyên liệu cũng như thành phẩm từ bàn tay của những người nông dân chuyên làm dụng cụ phục vụ nghề tằm. Thăm gia đình anh Đoàn Duy Thương, chị Trần Thị Lan, anh chị rất hồ hởi chia sẻ với người lạ về “nghề” truyền thống của gia đình và cũng là của “xóm đan”. Anh Thương cho biết: “Xóm chúng tôi vốn hầu hết là dân Hà Nam vào đây, ở quê cũ vốn có nghề đan cót, đan sọt. Tầm 20 năm trước, thấy bà con nuôi tằm dùng nhiều nong, né mà phải mua xa, có khi từ ngoài xứ Quảng chuyển vào, chúng tôi chuyển sang nghề làm nong, né, đũi phục vụ cho làng tằm. Giờ nong, né của xóm bán khắp vùng tằm Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, nhiều người tận Đắk Lắk cũng sang đây lấy”. Theo anh Thương, cả xóm có chừng 30 hộ làm nghề đan nong né. Riêng nhà anh, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường cả ngàn sản phẩm nong, né, đũi, cót các loại. 
 
Anh Thương đan né tằm. Ảnh: D.Quỳnh
Anh Thương đan né tằm. Ảnh: D.Quỳnh

 
Các sản phẩm nong, né được làm từ lồ ô, một loại tre phổ biến tại Lâm Đồng. Lồ ô được trồng và chở ra từ Đam Rông, bà con xóm mua với giá 200-300 đồng/kg thân tươi. Sau đó, lồ ô được phơi khô và với nhiều đơn hàng, theo yêu cầu người làm phải ngâm tre để tránh mối mọt. Sau đó, tùy công đoạn mà lồ ô được phân ra thành khúc để làm đũi, uốn tròn làm cạp nong, tách thành nan để đan nong, né, cót quây dâu. Sau khi phơi khô, sản phẩm nong, né đã sẵn sàng đưa vào sử dụng. Với người quen nghề, thạo việc, một ngày có thể đan 2-3 cái nong. 
Anh Thương cho hay, tùy nhu cầu của người mua mà người làm nong, né điều chỉnh chất lượng, độ dày mỏng của sản phẩm. Nếu làm thật kỹ, sử dụng hợp lý, một bộ nong, né có thể sử dụng được 5 năm. Những năm gần đây, do thay đổi cách nuôi tằm, nhiều vật dụng nghề tằm như đũi (giá đựng nong tằm) có phần hạn chế sử dụng. Nhưng nong tằm, né tằm thì vẫn được sử dụng nhiều. Đặc biệt, nhiều năm nay, giá kén tằm ổn định nên diện tích dâu ngày càng mở rộng, thêm nhiều người chăn tằm và thị trường của xóm đan ngày càng được mở rộng.
Anh Nguyễn Văn Phụng, một người trong tổ dân phố Từ Liêm 2 cũng gắn bó với nghề đan nong né gần hai mươi năm chia sẻ, bà con trong xóm vẫn sống chủ yếu bằng cây cà phê. Nghề đan nong, né được bà con coi là nghề phụ, làm những ngày nghỉ, ngày mưa và những lúc nông nhàn. Tuy nhiên, anh cho hay: “Gọi là nghề phụ mà thu nhập không phụ, gặp nhiều đơn hàng thu nhập hàng chục triệu/tháng là có. Nói chung chúng tôi đan để lấy tiền chi tiêu hàng ngày, cà phê coi như món để dành”. Một cái né có giá 280 ngàn đồng, một cái nong có giá 130 ngàn đồng, người làm tốt mỗi ngày đan được 2 bộ né, vài ba chiếc nong là bình thường. Trừ chi phí bỏ ra cũng thu được trên trăm ngàn/ngày, một thu nhập không nhỏ so với mức sống địa phương.  
Sự thịnh vượng của xóm đan đi cùng với sự phát triển của nghề tằm. Và, xóm đan đã góp một phần vào sự phát triển của nghề tằm Bắc Lâm Đồng. Anh Nguyễn Văn Thọ, một hộ chăn tằm ở xã Đông Thanh, Lâm Hà chia sẻ: “Trước đây nong, né là mang từ xứ Quảng vào, thi thoảng có nong, né mang từ Bảo Lộc lên, nhiều khi nhà hỏng nong, hỏng né cũng phải chờ dịp. Còn giờ cần thì chạy xuống xóm Từ Liêm, lấy ngay về sử dụng. Muốn đặt hàng theo ý muốn cũng được đáp ứng ngay, rất thuận lợi”. 
Từ những thân lồ ô, những chiếc nong, né, cót và bàn tay khéo léo của người nông dân đã và đang tiếp tục đồng hành với nghề tằm, góp phần lưu truyền mãi câu ca “một nong tằm là năm nong kén”.
Theo baolamdong.vn

Có thể bạn quan tâm