Lên đỉnh “nóc nhà miền Tây”

Lên đỉnh “nóc nhà miền Tây”
Núi Cấm tọa lạc trên địa bàn xã An Hảo (Tịnh Biên - An Giang), dọc theo Tỉnh lộ 948. Núi có chu vi hơn 28.600m, độ cao 716m so với mực nước biển. Núi Cấm có phong cảnh hữu tình, cây cối xanh tươi, là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng được du khách thường xuyên lui tới quanh năm. 

Bức tranh hữu tình trên đỉnh Thiên Cấm sơn
Bức tranh hữu tình trên đỉnh Thiên Cấm sơn
Mùa mưa, núi Cấm khoác lên mình màu xanh của lá rừng vừa mới đâm chồi. Ngọn núi trở nên mờ ảo bởi những đám mây chốc chốc lại ghé qua, tạo nên lớp sương khói mông lung di chuyển chầm chậm trên tán lá rừng. Chúng tôi đã nhiều lần lên núi bằng đường bộ, tuy nhiên, được ngồi trong ca-bin cáp treo để thăm thú cảnh non xanh nước biếc cũng để lại những ấn tượng thú vị.
Từ ca-bin nhìn ra, khung cảnh núi Cấm thật hùng vĩ. Càng lên cao, cảm giác càng choáng ngợp. Chốc chốc lại thấy những nóc nhà của người dân nằm xen lẫn những vườn xoài, những giàn su xanh mướt. Mùa mưa là mùa rẫy trên núi Cấm nhưng không phải là “mùa làm ăn” của người dân. Anh Ngô Thanh Phong, người chạy xe “ôm” trên núi Cấm, chia sẻ: “Dân trên núi chỉ sống khỏe trong những tháng nắng vì đây là mùa hành hương. Sang mùa mưa, chỉ những ai trồng rẫy, trồng vườn mới có thu hoạch, trong khi dân lao động thời vụ lại thất thu”.
Từ chùa Vạn Linh, chúng tôi bắt đầu hướng đến vồ Bồ Hong, điểm cao nhất trên núi Cấm. Con đường nhỏ, ngoằn ngoèo chạy qua mấy vườn mít, vườn dâu vừa thu hoạch xong. “Thực ra, núi Cấm đẹp nhất là những tháng mùa mưa bởi cây cối xum xuê và hay có mây đáp núi. Với lại, khí hậu thời điểm này cũng mát mẻ, trong lành hơn so với mùa khô” - anh Phong bật mí. Sau 15 phút chạy xe ngược dốc, anh Phong đưa chúng tôi đến một quán nước và nói rằng phải đi bộ mới lên đến đỉnh. Dù chỉ vài trăm mét dốc nhưng cũng khiến chúng tôi phải bở hơi tai. Cơn mưa rừng vừa đi qua bỏ lại những bậc thang ướt sũng, trơn như đổ mỡ. Để không bị ngã, nhiều du khách phải bấu vào sợi dây thừng to được buộc dọc theo đường mà bước lên phía trước.
Thi thoảng, chúng tôi lại cảm nhận được hơi nước mát mẻ ùa tới. “Mây đáp núi đó!” - ông ba Thành, khách hành hương ở huyện Chợ Mới, tỏ ra am hiểu. Theo lời người dân địa phương, địa điểm này có tên gọi vồ Bồ Hong là bởi trước kia nơi này loài bồ hong bay dày đặc trong những tháng mưa. Theo thời gian, chúng đã giảm dần số lượng nhưng cái tên vồ Bồ Hong đã trở thành huyền thoại, ghi dấu một thời khai sơn phá thạch của người xưa trên đỉnh Thiên Cấm sơn.
Càng gần đến đỉnh núi Cấm, khí hậu càng trong lành. Mây mù lãng đãng bay làm cho khung cảnh khá nên thơ. Trên vồ Bồ Hong có thờ Ngọc Hoàng, Diêu trì Thánh Mẫu và Cửu huyền trăm họ. Anh Hoàng, chủ một nhà trọ ở khu vực vồ Bồ Hong, thật tình: “Khách lên đến đây thường nghỉ lại qua đêm để tận hưởng không khí trong lành. Ban đêm, ở trên này khá lạnh. Tuy nhiên, tôi chỉ thấy khí hậu lạnh hơn so với đồng bằng chứ chưa thể so sánh với Đà Lạt như nhiều người hay nói”.
Đứng trên đỉnh của “nóc nhà miền Tây”, phóng tầm mắt ra xa mới hiểu được thế nào là “thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Anh Trần Văn Vũ, một người dân địa phương, nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi. Theo những cái chỉ tay của anh, chúng tôi lờ mờ nhận ra biển Hà Tiên ẩn hiện sau lớp mây mù hay cánh đồng lúa Ba Chúc, Lê Trì đang xanh màu lúa. Từ vồ Bồ Hong nhìn xuống hồ Thủy Liêm, quần thể kiến trúc tượng Phật Di Lặc, chùa Vạn Linh đẹp tựa bức tranh hữu tình. 
Trở xuống núi cũng bằng ca-bin cáp treo, chúng tôi lại tiếp tục thả mình trong khung cảnh thiên nhiên. Nhìn xuống hồ Thanh Long, mặt nước xanh lam in bóng mây lơ lửng trôi như níu chân du khách. Với những ai đam mê du lịch khám phá, việc chinh phục đỉnh núi cao nhất miền Tây này sẽ để lại những ấn tượng khó quên. Bởi thế, nhiều du khách hay nói với nhau rằng: “Đến núi Cấm mà không lên đến vồ Bồ Hong thì coi như chưa đi núi Cấm bao giờ!”.
Theo baoangiang.com.vn

Có thể bạn quan tâm