Hà Giang: Thêm động lực thoát nghèo

Hà Giang: Thêm động lực thoát nghèo
Nhờ sự hỗ trợ vốn từ Quyết định số 755 của Chính phủ, gia đình anh Phàn Mùi Phấy (xã Tân Lập) đã xây được bể chứa nước kiên cố.
Nhờ sự hỗ trợ vốn từ Quyết định số 755 của Chính phủ, gia đình anh Phàn Mùi Phấy (xã Tân Lập) đã xây được bể chứa nước kiên cố.
Quyết định số 755, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã giúp nhiều hộ DTTS nghèo và hộ nghèo tại 19/23 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, nước SH. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và nguồn nhân lực để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước giảm nghèo bền vững.Từ năm 2014 đến hết năm 2015, với tổng vốn 1.380 triệu đồng hỗ trợ trực tiếp cho nhân dân từ chương trình đã được huyện Bắc Quang giải ngân 100% để hỗ trợ 169 hộ khai hoang 20,1 ha ruộng lúa 1 vụ và giải quyết tình trạng thiếu nước SH cho 720 hộ. Ngoài ra, với tổng mức đầu tư 16.971 triệu đồng từ chương trình, 6 công trình nước SH tập trung tại các xã: Thượng Bình, Đức Xuân, Kim Ngọc, Tiên Kiều, Bằng Hành, Hữu Sản đã giúp hàng trăm hộ nghèo ổn định nguồn nước SH.

“Bể nước SH, ruộng bậc thang mới mở, tất cả đều phục vụ lợi ích của mình. Nhưng lại được Nhà nước hỗ trợ chi phí thực hiện. Mừng lắm!”. Đó là chia sẻ chung của rất nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo của xã Tân Lập khi được hưởng lợi từ Quyết định 755. Giờ đây, bể nước xây kiên cố không chỉ giúp gia đình anh Phàn Mùi Phấy (thôn Chu Hạ) có nguồn nước SH ổn định, đảm bảo vệ sinh hơn mà còn tạo công trình phụ khang trang cho gia đình. Anh Phấy bộc bạch: Trước đây, 3 thế hệ gồm 7 thành viên trong gia đình tôi đều sử dụng chung một chậu chứa nước nhỏ nên rất bất tiện cho việc SH, đặc biệt là khi cần sử dụng khối lượng nước lớn. Hơn nữa, ống dẫn nước từ khe suối chảy thẳng về chậu nhưng vật chứa này quá nhỏ, không có không gian tạo độ lắng nên nguồn nước SH có thêm cặn bẩn. Không những vậy, chậu chứa nước thấp, nhỏ, không nắp đậy trở nên thiếu vệ sinh khi vật nuôi như: Chó, mèo, gà vô tình uống hoặc bay qua chậu chứa. Nhưng từ khi được Nhà nước hỗ trợ 1,3 triệu đồng, gia đình tôi đã tích góp thêm 2 triệu để hoàn thành bể nước SH, khắc phục những hạn chế của chậu chứa trước kia...
 
Gia đình chị Hầu Thị Dế (xã Tân Lập) làm đất trồng rau vụ Đông trên diện tích đất ruộng mới khai hoang. Ảnh: THU PHƯƠNG
Gia đình chị Hầu Thị Dế (xã Tân Lập) làm đất trồng rau vụ Đông trên diện tích đất ruộng mới khai hoang. Ảnh: THU PHƯƠNG
Dù mới thu hoạch vụ lúa Mùa đầu tiên từ những thửa ruộng bậc thang khai phá hồi đầu năm 2015 (đất ruộng chưa giàu dinh dưỡng) nhưng gia đình các anh: Giàng Seo Sính, Giàng Seo Dình, Hầu Seo Sàng,... (thôn Nậm Siệu, xã Tân Lập) đã có thêm từ 3-6 bao thóc/200-300 m2 ruộng/hộ. “Mùa giáp hạt không lo thiếu gạo ăn như trước nữa”, anh Hầu Seo Sàng không giấu được niềm vui. Để có được kết quả này, ngoài sự hỗ trợ 60 triệu đồng/1 ha của Nhà nước, gia đình các anh cũng như nhiều hộ đồng bào Mông, Dao trong thôn đã kiên trì khai phá đất hoang thành ruộng chỉ bằng sức lao động thủ công, để góp phần ổn định lương thực. Trưởng thôn Nậm Siệu, Phàn Sành Hanh khẳng định: “Những hộ được Nhà nước hỗ trợ khai hoang ruộng ở Nậm Siệu, họ nghèo vì chưa có điều kiện kinh tế để mở ruộng mới, nghèo vì thiếu nhân lực hoặc vừa mới tách hộ chứ họ không lười lao động đâu”. “Giờ có ruộng mới rồi, mình có sức khỏe lại có đôi tay lao động thì sợ gì thiếu gạo ăn”, chị Hầu Thị Dế chia sẻ với chúng tôi khi đang chuẩn bị đất trồng rau vụ Đông trên chính mảnh ruộng bậc thang gia đình chị mới khai hoang đầu năm 2015. Đặc biệt, dù không thuộc đối tượng thụ hưởng từ Quyết định số 755 nhưng nhiều hộ dân của thôn Nậm Siệu đã học tập, tự khai phá ruộng lên đến trên 300 m2/hộ để đảm bảo lương thực/năm và có thêm thóc, gạo phát triển chăn nuôi. Điển hình như gia đình anh: Triệu Dùn Quấy, Triệu Ỳ Loàng hay anh Hầu Seo Lự,...

Quyết định số 755 của Thủ tướng Chính phủ đã giúp 21 hộ nghèo của xã Tân Lập khai hoang ruộng và 28 hộ khác có bồn inox hoặc bể chứa nước phục vụ SH. Đáng quý biết bao khi niềm vui này của họ được khơi nguồn từ sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho gia đình, địa phương – nơi họ đang sống vẫn còn muôn nỗi truân chuyên, gian khó về điều kiện phát triển KT-XH. Và mặc dù, số tiền hỗ trợ/hộ không nhiều nhưng đã tiếp thêm động lực cho rất nhiều hộ nghèo của xã Tân Lập cùng 18 xã khác trên địa bàn Bắc Quang thêm quyết chí thoát nghèo.
Báo Hà Giang

Có thể bạn quan tâm