Nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng ở cơ sở vùng Tây Nguyên

Nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng ở cơ sở vùng Tây Nguyên
Dựa trên cơ sở thực tiễn đó, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần cùng cấp ủy các cấp ở địa phương nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
 
Tây Nguyên là nơi tập trung rất nhiều đồng bào dân tộc. Ảnh: internet
Tây Nguyên là nơi tập trung rất nhiều đồng bào dân tộc. Ảnh: internet

Theo đồng chí Điểu Kré, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, những năm gần đây, việc thực hiện chế độ sinh hoạt chi bộ trên địa bàn khu dân cư vùng Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì tốt chế độ sinh hoạt định kỳ một tháng một lần, với tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt cao từ 87,44% trở lên. Các chi bộ cơ bản thực hiện đúng nội dung Hướng dẫn 09 của Ban Tổ chức Trung ương, chi ủy và bí thư chi bộ đã bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên, chức năng, nhiệm vụ của chi bộ để chuẩn bị nội dung sinh hoạt phù hợp với thực tế của địa phương.

Trong sinh hoạt, nhiều chi bộ chọn lựa các thông tin thời sự quốc tế, trong nước phù hợp với tình hình của địa phương kịp thời phổ biến cho đảng viên, qua đó định hướng tư tưởng, dư luận quần chúng nhân dân, đồng thời triển khai các văn bản liên quan của các cấp ủy Đảng, chính quyền đến đảng viên. Các chi bộ tập trung đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết chi bộ tháng trước, triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo ban tự quản và các tổ chức đoàn thể ở thôn, buôn, bon, làng vận động hội viên, nhân dân phát triển sản xuất, tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, giữ gìn trật tự an ninh nông thôn, vận động đồng bào chấp hành các quy định về sinh hoạt tín ngưỡng, đấu tránh với các đối tượng có liên quan đến tà đạo, hoạt động của các điểm, nhóm tôn giáo trái pháp luật ở cộng đồng dân cư.

Nhiều ý kiến của các đảng viên ở các chi bộ vùng sâu như chi bộ Buôn M’ắk, xã Cư M’ta, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk); chi bộ thôn Xuân Sơn, xã Đức Minh; chi bộ bon Bu N’Drung Lu, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song (Đắk Nông); chi bộ thôn Đắk Xanh, xã Văn Lem, huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum)… đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong xây dựng, triển khai thực hiện nghị quyết chi bộ, nhất là tập trung lãnh đạo đối với một số lĩnh vực mang tính đột phá như thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất…

Thông qua sinh hoạt, các chi bộ đã nhắc nhở những đảng viên có biểu hiện nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, ý thức tổ chức kỷ luật không cao… Ngoài nội dung sinh hoạt định kỳ, nhiều chi bộ đảng ở các thôn, buôn, bon, làng vùng Tây Nguyên còn kết hợp nội dung sinh hoạt chuyên đề về “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phân công đảng viên chuẩn bị nội dung, kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ và tiến hành kiểm tra đảng viên chấp hành Điều 30 điều lệ Đảng.

Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã xây dựng mô hình “Chi bộ kiểu mẫu” ở thôn, làng theo 9 tiêu chí (quy định rõ về thời gian, quy trình sinh hoạt, những công việc cụ thể mỗi chi bộ thôn, làng phải thực hiện, quy chế làm việc, nội dung ghi chép, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, nội dung sinh hoạt cụ thể). Bám vào các tiêu chí đó, nhiều chi bộ đã có các cách làm phong phú, sáng tạo để thực hiện phù hợp với thực tiễn. Đến nay, Gia Lai đã xây dựng được 38 chi bộ kiểu mẫu ở thôn, làng, phân công 627 cấp ủy viên cấp huyện, cấp xã trực tiếp phụ trách, tham dự 9.405 lần sinh hoạt với 4.532 lượt chi bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Nhiều chi bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum ngay từ đầu năm tổ chức cho đảng viên đăng ký những việc làm, nội dung cụ thể, gắn với chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh", định kỳ chi bộ công bố kết quả giám sát, kiểm tra đảng viên về nội dung đã đăng ký…

Ở một số chi bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng Công giáo thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông có số lượng đảng viên tại chỗ quá ít, chủ yếu là đảng viên nơi khác tăng cường về sinh hoạt, tại các phiên họp thường kỳ, chi bộ đã mời thêm một số thành viên Ban tự quản, trưởng các đoàn thể (không phải là đảng viên) cùng dự họp. Cụ thể như chi bộ thôn 8, xã Cư San; chi bộ buôn M’Guê, xã vùng sâu Ea Trang, huyện M’Đrắk (Đắk Lắk); chi bộ thôn 6, thôn 14 xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Cách làm này, theo ý kiến của một số bí thư chi bộ, tuy không đúng quy định nhưng có kết quả tích cực, phù hợp với thực tế cơ sở vì đã phát huy được tinh thần dân chủ, sự đóng góp rộng rãi của quần chúng trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của chi bộ, tạo sự gần gũi giữa tổ chức đảng và từng đảng viên với ban tự quản thôn, buôn, bon, làng và người đứng đầu của các tổ chức đoàn thể quần chúng. Mặt khác, bí thư chi bộ cũng giảm được một lần tổ chức cuộc họp với quân - dân -chính ở địa phương…

Thông qua việc tham gia sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các tỉnh Tây Nguyên tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức, thông tin, kỹ năng công tác cho đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ ngay sau nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp bằng các hình thức phù hợp để đội ngũ này phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành tốt các hoạt động cũng như sinh hoạt chi bộ. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến phương pháp bồi dưỡng, biên soạn tài liệu hướng dẫn về quy trình xây dựng nghị quyết, nội dung, cách thức tổ chức điều hành hoạt động, sinh hoạt chi bộ, biện pháp đưa nghị quyết vào thực tiễn… sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với trình độ, khả năng nhận thức của đội ngũ cấp ủy cơ sở vùng miền núi nói chung và Tây Nguyên nói riêng…

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có 3.613 tổ chức cơ sở đảng, với 1.385 đảng bộ cơ sở và 2.228 chi bộ cơ sở. Trong tổng số 7.859 thôn, buôn, bon, làng của 5 tỉnh Tây Nguyên đã có 7.852 thôn, buôn, bon, làng có chi bộ (chiếm 99,91%) và 7.844 thôn, buôn, bon, làng có đảng viên tại chỗ, chiếm 99,81%. Cùng với việc kiện toàn, củng cố tổ chức đảng, các tỉnh Tây Nguyên cũng chú trọng phát triển đảng viên mới. Chỉ riêng năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên đã phát triển mới 10.184 đảng viên, nâng tổng số đảng viên toàn vùng tăng lên 210.931 người, trong đó có 18,83% đảng viên là người dân tộc thiểu số, 3,08% đảng viên là người có đạo…
Quang Huy
TTXVN

Có thể bạn quan tâm