Gần 100% thôn, buôn ở Tây Nguyên có chi bộ đảng

Gần 100% thôn, buôn ở Tây Nguyên có chi bộ đảng
Trong 6 tháng đầu năm 2017, các tỉnh Tây Nguyên đã kết nạp mới thêm 4.342 đảng viên, đưa tổng số đảng viên toàn vùng tăng lên 216.576 người; trong đó 18,41% đảng viên là người dân tộc thiểu số, tăng gần 1,2% và 3,19% đảng viên là người có đạo. Hiện gần 100% buôn, bon, làng ở các tỉnh Tây Nguyên có chi bộ đảng, tăng 17,2% và 99,81% thôn, buôn, bon, làng có đảng viên là người tại chỗ, tăng 2,21% so với năm 2007. 

Cùng với việc xóa “trắng” đảng viên ở các thôn, buôn, bon, làng, các tỉnh Tây Nguyên còn triển khai thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi bộ, nhất là những chi bộ ở địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điểm nóng về an ninh nông thôn. Trong chương trình sinh hoạt định kỳ, các chi bộ tập trung đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết chi bộ tháng trước; triển khai công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ban tự quản, tổ chức đoàn thể quần chúng ở thôn, buôn, vận động hội viên, đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giữ gìn trật tự an ninh nông thôn…

Gần 100% thôn, buôn ở Tây Nguyên có chi bộ đảng ảnh 1
Tặng quà cho các gia đình tiêu biểu ở buôn Kon H'ring, xã Ea H'đing, huyện Cư M'gar trong lễ mừng cơm mới. Ảnh minh họa: baodaklak.vn

Tỉnh Gia Lai cũng đã tăng cường đảng viên giữ chức vụ chủ chốt của xã về sinh hoạt đảng tại chi bộ nơi cư trú và các tổ công tác do Huyện ủy phân công phụ trách địa bàn cùng tham dự sinh hoạt với một số chi bộ. Hình thức sinh hoạt này đã giúp cấp ủy cấp trên chủ động nắm bắt tình hình nhân dân cũng như tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng, có biện pháp phối hợp xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa bàn.

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chất lượng sinh hoạt của một số chi bộ ở khu dân cư vùng nông thôn còn thấp; nội dung sinh hoạt đơn điệu; ở một số buôn, làng người dân tộc thiểu số tại chỗ, sinh hoạt chi bộ chỉ mới là biện pháp để duy trì sự “tồn tại” của tổ chức; năng lực của đội ngũ cấp ủy trong việc đề ra nghị quyết và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của cấp trên còn nhiều hạn chế chưa đủ sức lãnh đạo để giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh từ cơ sở…

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị, các tỉnh trong khu vực tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức, thông tin và kỹ năng công tác cho đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến phương pháp biên soạn tài liệu hướng dẫn về quy trình xây dựng nghị quyết; nội dung, cách thức tổ chức điều hành hoạt động và sinh hoạt chi bộ; biện pháp đưa nghị quyết vào thực tiễn; phân công nhiệm vụ cho đảng viên để thực hiện nghị quyết chi bộ…sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với trình độ, khả năng nhận thức của đội ngũ cấp ủy cơ sở, nhất là cấp ủy cơ sở các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Quang Huy

Có thể bạn quan tâm