Tìm đầu ra cho sản phẩm chè Tuyết Shan Tủa Chùa

Tìm đầu ra cho sản phẩm chè Tuyết Shan Tủa Chùa
Xã Sín Chải là địa phương tập trung nhiều cây chè Tuyết Shan cổ thụ nhất của huyện Tủa Chùa (Điện Biên) với khoảng 4.000 cây. Những cây chè cổ thụ đã gắn bó với bà con nơi đây qua nhiều thế hệ đến nay vẫn không ngừng cho những búp chè tươi xanh, giúp bà con kiếm thêm thu nhập. 
 
Rừng chè Shan Tuyết ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, Điện Biên có độ cao hàng chục mét. Ảnh: TTXVN
Rừng chè Shan Tuyết ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, Điện Biên có độ cao hàng chục mét. Ảnh: TTXVN

Ông Hạng A Chư, bản Hấu Chua, xã Sín Chải là gia đình có nhiều cây cổ thụ nhất với hơn 400 cây. Mỗi năm, gia đình ông Chư thu hoạch 3 vụ chè với sản lượng mỗi vụ được khoảng 3,5 tạ chè búp khô. Thu nhập từ việc bán chè, ông Chư đã đầu tư xây dựng hệ thống lò sao sấy chè khô và bán ra thị trường. 

Ông Chư cho biết, sở dĩ gia đình có nhiều cây chè cổ thụ là một phần do của ông cha để lại, một phần là do trước đây nhiều bà con chặt phá đi những cây chè cổ thụ để lấy đất làm nương, ông Chư tiếc nên đã mua lại. Những cây chè cổ thụ cao tới gần chục mét, người trồng chẳng cần chăm sóc, nhưng hàng năm mỗi cây chè cũng cho thu nhập tiền triệu. 

Gia đình ông Chư cũng là số ít hộ trồng chè tự đầu tư máy móc để sao chè. Đa số hộ vẫn bán chè búp tươi cho các đơn vị thu mua. Hiện chè búp tươi được các đơn vị thu mua với giá 12.000 đồng/kg, huyện Tủa Chùa hỗ trợ thêm cho bà con 3.000 đồng/kg. Nhờ vậy, thu nhập từ việc bán chè giúp nhiều gia đình cải thiện đời sống. 

Rõ ràng cây chè đã mang lại hiệu quả kinh tế cho một bộ phận người dân ở Tủa Chùa. Thế nhưng, do lượng chè tiêu thụ còn hạn chế nên diện tích trồng những năm gần đây không được mở rộng, việc trồng chè cũng chỉ dừng lại ở một số hộ gia đình. 

Những năm qua, Trại giống nông nghiệp huyện Tủa Chùa là đơn vị thu mua, chế biến, tiêu thụ hầu hết lượng chè của người dân ở Tủa Chùa. Tuy sản lượng chỉ đạt 14 - 15 tấn chè khô/năm nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây, năm nào đơn vị cũng ế hàng. 

Theo ông Cao Văn Đắp, Trưởng Trại giống nông nghiệp huyện Tủa Chùa, nguyên nhân là do chè Tủa Chùa hiện chưa được nhiều người biết đến, chủ yếu chỉ mới dừng ở mức độ tiêu thụ trong tỉnh. 

Đánh giá về chất lượng chè Tuyết Shan Tủa Chùa, ông Đắp cho hay, chè Tủa Chùa có hương vị ngon không thua kém một loại chè nào trên thị trường. Chè được trồng hữu cơ, sạch 100%, bà con người Mông không dùng bất cứ loại phân hay hóa chất nào. Nước chè mới đầu uống có vịt đậm chát nhưng sau lại có vị ngọt hậu và thơm lâu sau khi uống. 

Toàn huyện Tủa Chùa hiện có 577ha chè; trong đó, 30ha chè cổ thụ với khoảng 8.000 cây chè hàng trăm năm tuổi. Cây chè được trồng tập trung ở 4 xã phía Bắc của huyện Tủa Chùa, bao gồm: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Sín Chải. Mỗi năm, toàn huyện thu hoạch khoảng hơn 80 tấn chè búp tươi, tương ứng với khoảng 15 tấn chè búp khô. Giá bán dao động 200.000 - 300.000 đồng/kg chè khô. 

Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết, huyện xác định chè Tuyết Shan là thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Vấn đề khó khăn nhất hiện vẫn là việc quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Lãnh đạo UBND huyện Tủa Chùa cũng cho biết, thời gian tới huyện sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm chè Tủa Chùa ra thị trường ngoài tỉnh qua các kênh: hội chợ, truyền thông… . 

Qua đó, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, giới thiệu quảng bá, tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm chè Tuyết Shan Tủa Chùa. Ngoài ra, huyện cũng sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn tuyên truyền, tập trung hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con trồng và thu hái chè để có thể đạt năng suất cao nhất. 

Trịnh Xuân Tư
TTXVN

Có thể bạn quan tâm