Thừa Thiên - Huế hướng đi mới cho sản phẩm mây tre đan

Thừa Thiên - Huế hướng đi mới cho sản phẩm mây tre đan
Các nghệ nhân làng nghề Bao La đang đan các sản phẩm mây, tre. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Các nghệ nhân làng nghề Bao La đang đan các sản phẩm mây, tre. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Hợp tác xã mây tre đan Bao La được thành lập nhằm tạo hướng đi mới cho làng nghề. Có thể khẳng định, từ một nghề phụ, tận dụng lao động nhàn rỗi lúc nông nhàn nay đã trở thành nguồn thu nhập chính ổn định cho bà con xã Quảng Phú, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã. Đến nay, Hợp tác xã mây tre đan Bao La thu hút gần 100 lao động, chủ yếu là phụ nữ và người già. Mỗi tháng, hợp tác xã sản xuất trên 4.000 sản phẩm các loại như: thúng, rổ rá, dần sàng, nong, nia và các loại đèn trang trí…

Nói về nghề mây tre đan của làng, các cụ cao tuổi ở đây cho biết, tên của làng nghề gắn liền với sản phẩm làm ra, gọi là làng nghề mây tre đan Bao La. Ngày trước, hễ cứ xong mùa vụ, khi gieo cấy hoặc gặt hái xong (lúc này gọi là nông nhàn) là nhà nhà mang tre ra để đan. Nghề đan lát ở Bao La rất phổ biến, mọi người trong làng từ già đến trẻ đều có thể tham gia các khâu trong nghề như chẻ tre, vót (chuốt), đan, lát, nạp, lận, nứt…

Các nghệ nhân làng nghề Bao La đang đan các sản phẩm mây, tre. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Các nghệ nhân làng nghề Bao La đang đan các sản phẩm mây, tre.
Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Các loại sản phẩm đan bằng tre ở làng Bao La gồm: thúng, mủng, nang, trẹt, rổ, rá... là những vât dụng dùng trong gia đình. Nhưng ở Bao La người ta có thể sản xuất nhiều chiếc nong lớn có đường kính từ 1-2m. Để hoàn chính một sản phẩm, thì người thợ đan cũng thường trải qua 6 bước kỹ thuật gồm: Vót nan, gầy, đan, đát, lận, nứt. Tùy theo kích thước sản phẩm to hay nhỏ mà người ta cưa tre thành từng đoạn dài ngắn khác nhau, rồi dùng rựa hay mác để chẻ tre thành từng thanh mỏng, gọi là nan, độ dày mỏng với bề ngang to nhỏ khác nhau của nan hoàn toàn tùy thuộc theo loại sản phẩm. Chẳng hạn để đan loại rổ thì người ta làm nan với bề ngang chừng 5mm, dày non 1mm, còn nan đan rá thì có hình tròn với đường kính chừng 2mm, nếu là loại rổ đặt hay rổ gia dụng thì dùng toàn tre cật để cho được bền bĩ hơn.

Cửa hàng trưng bày sản phẩm của làng nghề mây tre đan Bao La. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Cửa hàng trưng bày sản phẩm của làng nghề mây tre đan Bao La.
Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Bề ngoài của thân tre được gọi là cật tre, có màu xanh lục, cứng, có sức đàn hồi lớn, độ bền cao; bên trong của thân tre là ruột tre, màu trắng, càng gần trung tâm càng xốp, vì vậy phần ruột tre ở trong cùng thường được vứt bỏ. Nếu dùng toàn cật tre để làm nan thì sản phẩm bền chắc hơn nhưng cũng tốn nhiều tre hơn nên giá thành cao. Nan ra rồi thì phải trau chuốt cho có độ dày mỏng trơn láng thích hợp rồi mới đan, nan làm kỹ thì sản phẩm làm ra càng đẹp.

Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Bao La, huyện Quảng Điền cho biết, sản phẩm mây tre đan của hợp tác xã hiện rất có uy tín trên thị trường, đầu ra luôn ổn định. Các dịp Festival Nghề truyền thống Huế, triển lãm, hội chợ thương mại, các sản phẩm của làng nghề được quảng bá rộng rãi, tạo được thương hiệu của làng nghề, đặc biệt xây dựng làng nghề thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách. Nhờ đó, trong mấy năm gần đây, doanh thu bình quân hàng năm của hợp tác xã mây tre đan Bao La tăng từ 20 đến 30%....

Năm 2018, làng nghề đạt giá trị doanh thu trên 3,2 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2017; ngày công người lao động đạt từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Quốc Việt 

Có thể bạn quan tâm