Ninh Thuận công bố danh mục sản phẩm đặc thù gắn với liên kết, tiêu thụ

Ninh Thuận công bố danh mục sản phẩm đặc thù gắn với liên kết, tiêu thụ
Các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Trong số 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, có 6 sản phẩm cây trồng là nho, táo, măng tây, tỏi, nha đam, rong sụn; 3 sản phầm vật nuôi đặc thù là tôm giống, cừu, dê; 3 sản phẩm làng nghề đặc thù là nước mắm Cà Ná, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc. Ngoài ra, có 3 sản phẩm tiềm năng đặc thù khác gồm heo đen, bò vàng, trái cây Ninh Sơn. Để được công nhận là sản phẩm đặc thù, các mặt hàng phải đáp ứng 8 tiêu chí gồm: lịch sử phát triển, danh tiếng; chất lượng đặc thù, quy mô thị trường; sản lượng và quy mô phát triển; sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường; ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ của sản phẩm đặc thù; mức độ lan tỏa của sản phẩm đến các lĩnh vực, ngành nghề khác và chính sách ưu đãi, phát triển liên quan đến sản phẩm đặc thù.
Măng tây, 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Măng tây, 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận.
Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho rằng, Ninh Thuận có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nhưng trong điều kiện đó lại có những sản phẩm cây, con đặc thù có lợi thế cạnh tranh so với những nơi khác. Khai thác thế mạnh của địa phương, tỉnh đã khảo sát, lựa chọn 12 sản phẩm đặc thù và 3 sản phẩm tiềm năng đặc thù khác để tập trung đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm đặc thù, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm đặc thù; phát triển các tour du lịch tham quan quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm đặc thù; thực hiện triển khai ứng dụng “Tem điện tử thông minh” truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm đặc thù. Đồng thời, tỉnh giao các đơn vị liên quan thực hiện rà soát hiện trạng về tiêu chuẩn chất lượng an toàn của các sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, bảo quản, chế biến đến khi ra thị trường. Đảm bảo chất lượng sẽ giúp sản phẩm đặc thù nâng cao uy tín, thương hiệu.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Những năm qua, Ninh Thuận đã xây dựng và bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ cho 20 nhóm sản phẩm; trong đó, có 2 chỉ dẫn địa lý cho nho và cừu. 10 nhãn hiệu tập thể gồm: rau an toàn Văn Hải, rau an toàn An Hải, gốm Bàu Trúc, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, táo Ninh Thuận, tỏi Phan Rang, măng khô Bác Ái, nho VietGAP Văn Hải, heo đen Bác Ái, heo và gà Thuận Bắc. 8 nhãn hiệu chứng nhận gồm: nước mắm Cà Ná, dê Ninh Thuận, trái cây Ninh Sơn, nha đam Ninh Thuận, măng tây Ninh Thuận, du lịch Ninh Thuận, tôm giống và rong sụn Ninh Thuận. Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về định hướng trong liên kết hình thành chuỗi cung ứng – tiêu thụ sản phẩm đặc thù; tiêu chuẩn để đưa sản phẩm đặc thù vào các hệ thống cửa hàng, siêu thị; thực trạng liên kết tiêu thụ sản phẩm và những kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Các đơn vị còn ký kết biên bản ghi nhớ về kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đặc thù trong thời gian tới.
Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm