Nghề đúc đồng truyền thống độc đáo ở xứ Thanh

Nghề đúc đồng truyền thống độc đáo ở xứ Thanh
Sống được bằng nghề

Nghề đúc đồng ở làng Chè Đông ra đời từ thế kỷ 17. Những nghệ nhân làng Chè Đông đã làm ra nhiều báu vật vô giá như trống đồng, thạp đồng, ly, đỉnh, hạc, rùa và các đồ thờ bằng đồng khác… Những sản phẩm đồ đồng tại đây không chỉ được đúc tinh tế, tỉ mỉ bởi bàn tay của những người nghệ nhân tài hoa, giàu kinh nghiệm mà còn đặc biệt ở chỗ tất cả đều làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống.
Nghệ nhân làng nghề đúc đồng Trà Đông hoàn thiện sản phẩm trống đồng. Ảnh: baothanhhoa.com.vn
Nghệ nhân làng nghề đúc đồng Trà Đông hoàn thiện sản phẩm trống đồng.
Ảnh: baothanhhoa.com.vn 

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đúc đồng truyền thống Đông Sơn - Chè Đông là một trong những người đã góp phần rất lớn vào việc khôi phục, truyền lửa và phát huy giá trị nghề đúc đồng truyền thống của Chè Đông. Sinh ra và lớn lên trong cái nôi có nghề đúc đồng, đến nay, Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Châu đã vào nghề được 40 năm có lẻ nhưng ông vẫn luôn trăn trở để truyền nghề, dìu dắt các thế hệ con cháu tiếp nối truyền thống của cha ông. Hiện cơ sở của gia đình ông đang giải quyết việc làm cho gần 20 thợ lành nghề. Các con trai, con gái, dâu và rể của Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu cũng đều theo nghề của gia đình, trong đó có anh Nguyễn Bá Quý (sinh năm 1987), tuy còn rất trẻ nhưng đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân. Các sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đúc đồng truyền thống Đông Sơn - Chè Đông đã có thương hiệu, được khách hàng đến tận nơi đặt mua cho gia đình, làm quà biếu, được trưng bày ở những nơi sang trọng nhất. Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu từng được Ủy ban Quốc gia APEC giao trọng trách đúc 1.000 pho tượng Mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế đến dự Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng (tháng 11/2017).

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu cho biết: Nghề đúc đồng không chỉ đơn thuần là làm theo quy trình sẵn có mà còn phải thổi vào từng sản phẩm nét văn hóa truyền thống. Để có được một sản phẩm đúc đồng đạt tiêu chuẩn cần phải trải qua một quy trình kỹ thuật phức tạp bao gồm các làm khuôn, pha chế hợp chất, nấu đồng, đúc sản phẩm, người thợ phải chú tâm, cẩn thận chau chuốt từng chi tiết. Tới đây, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng lò đúc đồng, đẩy mạnh việc kinh doanh, giới thiệu sản phẩm, trong đó trọng tâm là đúc trống đồng các cỡ bằng phương pháp thủ công truyền thống để phục vụ khách đặt hàng và hướng tới xuất khẩu.
 
Trống đồng Đông Sơn với những hoa văn, họa tiết xưa là sản phẩm truyền thống của làn nghề đúc đồng Trà Đông. Ảnh:baothanhhoa.com.vn
Trống đồng Đông Sơn với những hoa văn, họa tiết xưa là sản phẩm truyền thống của làn nghề đúc đồng Trà Đông. Ảnh:baothanhhoa.com.vn

Đã có một thời gian, làng nghề hoạt động kém sôi động do người tiêu dùng chuyển sang dùng đồ nhôm, sắt, gang, nhựa, thậm chí bằng inox... vì giá thành rẻ hơn, mẫu mã đa dạng hơn nhưng khoảng 10 trở lại đây, nghề đúc đồng Chè Đông đã hồi sinh. Đến nay, những nghệ nhân tâm huyết với nghề như Lê Văn Bảy, Lê Văn Dương, Nguyễn Bá Châu, Đặng Ích Hoàn... đã thực sự khiến làng Chè Đông "sống dậy" với những sản phẩm nổi tiếng cả nước. Với tình yêu và niềm đam mê không bờ bến, những người thợ đúc đồng làng Chè Đông đã mày mò, nghiên cứu, đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống với nhiều kích cỡ khác nhau, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao, từ chiếc trống đồng với phiên bản và hoa văn Ngọc Lũ năm 2000, chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất Việt Nam với đường kính mặt trống 1,51m, cao 1,21m năm 2007 đến chiếc trống đồng phiên bản Ngọc Lũ được xem là lớn nhất thế giới nặng khoảng 8 tấn, cao 2m, đường kính mặt trống 2,7m năm 2013... Đặc biệt, vào năm 2010, tập thể nghệ nhân làng nghề đúc đồng Trà Đông đã tham gia đúc 100 chiếc trống đồng để dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Ngoài các sản phẩm chủ yếu là trống đồng, các nghệ nhân của làng còn đúc được những bức tranh tứ linh, tứ quý, chấp kích, bát bửu… với đề tài dân gian phong phú và đặc sắc được nhiều người ưa thích. Những chiếc trống đồng, đồ đồng làng Chè Đông đã vượt ra khỏi lũy tre làng mang theo niềm tự hào của người dân xứ Kẻ Chè và góp phần làm nên diện mạo mới cho làng nghề.
   
Phát huy giá trị nghề đúc đồng truyền thống

Theo thống kê của UBND xã Thiệu Trung, hiện nay trong xã có 132 hộ duy trì, phát triển nghề đúc đồng truyền thống, trong đó có 15 hộ theo nghề đúc đồng “có bài có bản”, tập trung chủ yếu ở làng Chè Đông. Dưới bàn tay khéo léo và tài hoa, các nghệ nhân đã phục dựng các sản phẩm truyền thống như: trống đồng, tượng nhân vật lịch sử, lư hương, chuông cổ… theo kiểu dáng xưa. Ở Chè Đông, nhiều hộ gia đình nhờ nghề truyền thống đã có của ăn, của để để mở mang, phát triển nghề truyền thống của quê hương. Hàng năm, doanh thu của làng từ nghề đúc đồng lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nghề thủ công đúc đồng truyền thống ở làng Chè Đông vẫn tồn tại một cách bền vững từ thế hệ này qua thế hệ khác.
 
Những lò đúc đồng của làng Trà Đông luôn đỏ lửa từ cả nghìn năm trước cho tới ngày nay. Ảnh: baothanhhoa.com.vn
Những lò đúc đồng của làng Trà Đông luôn đỏ lửa từ cả nghìn năm trước cho tới ngày nay. Ảnh: baothanhhoa.com.vn

Ông Trần Công Lạc, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung khẳng định: Cùng với sự năng động sáng tạo của người dân trong xã, để khuyến khích phát triển làng nghề, huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo xã quy hoạch gần 6 ha làng nghề tập trung, đồng thời có cơ chế khuyến khích các hộ ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới mẫu mã sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng. Trong đề án phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa, làng nghề Chè Đông được lựa chọn là 1 trong những điểm để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Nghề đúc đồng cổ truyền của làng Chè Đông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một cơ hội lớn để quảng bá, xây dựng thương hiệu cho làng nghề; phát triển nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch làng nghề.  

Trước sự cạnh tranh của các sản phẩm đúc đồng từ các làng nghề truyền thống của cả nước, muốn tồn tại được những người thợ làng Chè Đông xác định phải làm ra những sản phẩm đáp ứng những yêu cầu về chất lượng, giá cả và thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Vì vậy, các nghệ nhân làng nghề đã không ngừng nghiên cứu đổi mới, đa dạng hóa kiểu dáng, mẫu mã, chủng loại. Sản phẩm không chỉ phong cách truyền thống mà còn thích ứng với nhu cầu thẩm mỹ hiện đại. Các cơ sở đúc đồng cũng liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nghề đúc đồng Chè Đông mãi vang danh trong cả nước./.
Hoa Mai
TTXVN

Có thể bạn quan tâm