Cấp chứng nhận nhãn hiệu “Nếp Mường Và – Sốp Cộp”

Cấp chứng nhận nhãn hiệu “Nếp Mường Và – Sốp Cộp”
Các đại biểu tham quan cánh đồng lúa nếp Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường – TTXVN
Các đại biểu tham quan cánh đồng lúa nếp Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường – TTXVN

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp cho biết, lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và – Sốp Cộp” là dịp quảng bá, giới thiệu những hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Sốp Cộp và những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương. Đồng thời, thu hút du khách đến trải nghiệm, thưởng thức và tìm cơ hội đầu tư, giao lưu, hợp tác phát triển. Đây còn là dịp để nhân dân các dân tộc trong vùng gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu học hỏi trong sản xuất.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Sốp Cộp đã đón nhận Giấy nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và – Sốp Cộp” đối với sản phẩm gạo nếp tan. Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Nếp Mường Và – Sốp Cộp” cho các hợp tác xã nông nghiệp và các hộ dân trong vùng sản xuất.

Sốp Cộp là huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Sơn La với diện tích tự nhiên 147.342 ha. Nơi đây có thiên nhiên ưu đãi để phát triển trồng trọt, đặc biệt là cây lúa nếp. Lúa nếp tan là tên gọi tiếng địa phương cho một số giống lúa nếp đang được canh tác phổ biến trên địa bàn huyện Sốp Cộp, bao gồm: Tan Hin, Tan Đỏ, Tan Nhe, Tan Pụa, Tan Lanh, Tan Lo.

Cánh đồng lúa nếp Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường – TTXVN
Cánh đồng lúa nếp Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Ảnh: Nguyễn Cường – TTXVN

Trong các giống lúa này, Tan Hin, Tan Nhe, Tan Đỏ là ba giống cho chất lượng ngon nhất và được trồng phổ biến trên địa bàn huyện. Hiện nay, vùng sản xuất lúa nếp tan của huyện Sốp Cộp chủ yếu tập trung trên địa bàn các xã Mường Và, Mường Lạn, Dồm Cang, Púng Bánh, Nậm Lạnh với khoảng 1.000 ha và hàng năm cho sản lượng 5.000 tấn.

Lúa nếp tan được trồng một vụ trong năm, kéo dài khoảng 6 tháng, bắt đầu giao mạ vào đầu tháng 5 dương lịch và thu hoạch vào cuối tháng 11 dương lịch hàng năm. Năng suất bình quân lúa nếp tan là 5 tấn/ha với chất lượng tốt. Chính vì đó, ngày 19/9/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Quyết định số 64402/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nếp Mường Và – Sốp Cộp” cho sản phẩm gạo nếp tan của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Đặc trưng của gạo nếp tan Sốp Cộp là có các màu trắng hơn xám, trắng ngà và mùi rất thơm; hạt gạo bóng, có độ dính, mịn và cơm mềm.

Chương trình công bố nhãn hiệu chứng nhận “Nếp Mường Và – Sốp Cộp” của huyện Sốp Cộp diễn ra trong 2 ngày với nhiều hoạt động phong phú như: Lễ hội mừng cơm mới (khẩu hó) dân tộc Lào; thi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản địa phương; tham quan trải nghiệm tại cánh đồng lúa nếp Mường Và...
          Nguyễn Cường

Có thể bạn quan tâm