Biến đổi nghề dệt chiếu cói Nga Sơn

Biến đổi nghề dệt chiếu cói Nga Sơn
Biến đổi trong phương thức sản xuất

Từ xa xưa khi bắt đầu hình thành nghề dệt chiếu, chúng ta chỉ biết qua sử sách chép lại rằng Phạm Đôn Lễ đi sứ Trung Quốc thì học được bí quyêt dệt chiếu của người Trung Quốc và về truyền cho dân ta. Từ đó cho tới tận ngày nay chúng ta chỉ biết dệt chiếu là một nghề thủ công nghiệp phải dùng tới bàn tay của con người tạo nên. Dệt chiếu bằng tay có lẽ đã quá quen thuộc đối với mỗi chúng ta.

Nếu cuộc sống cứ bình lặng như thế trôi đi và con người ngày ngày ngồi bên khung dệt để dệt chiếu tiếp nối truyền thông ông cha ta để lại có lẽ chẳng có gì đáng phải nói đến. Tuy nhiên với bàn tay và khối óc của con ngươi nơi đây, với sự sáng tạo không ngừng nghỉ họ đã suy nghĩ và chế tạo nên một loại máy dệt chiếu. Có lẽ một phần cũng vì do công việc làm chiếu cói vất vả đã khiến họ nghĩ tới việc tìm một cái máy để giúp họ đỡ vất vả hơn. Vì thế mấy năm gần đây máy dệt chiếu đã ra đời.
Dệt chiếu thủ công ở Nga Sơn.
Dệt chiếu thủ công ở Nga Sơn.

Nếu chỉ dệt thủ công bình thường thì hai người ngồi dệt trong khoảng 3h thì sẽ cho ra đời một sản phẩm chiếu cói. Tuy nhiên dệt bằng tay đôi khi có thể xảy ra lỗi, thậm chí chiếu không đều, không đẹp ảnh hưởng tới chất lượng chiếu. Máy dệt chiếu ra đời đã giúp ích rất nhiều cho người thợ khi dệt chiếu. Nếu trước kia phải hai người ngồi dệt thì bây giờ chỉ phải một người ngồi làm việc với máy mà thôi.

Thay vì trước kia hai người thợ 3h mới dệt xong được một lá chiếu thì bây giờ chỉ với 45 phút một lá chiếu đã ra đời. Ngoài việc tiết kiệm nhân lực, dệt máy còn khiến lá chiếu đều và đẹp hơn rất nhiều. Trong mỗi gia đình nông dân làm cói nếu dệt thủ công mỗi ngày bình quân được 4-5 lá chiếu trong khi chưa kể họ làm những việc khác trong thời gian làm chiếu dẫn đến năng suất bị giảm đi.
Máy dệt chiếu đã được người dân Nga Sơn đưa vào sử dụng.
Máy dệt chiếu đã được người dân Nga Sơn đưa vào sử dụng.

Vì thế máy dệt chiếu ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của người dân nơi đây, giúp họ làm việc đỡ vất vả hơn, công việc trở nên dễ dàng hơn, năng suất cao hơn. Thời gian họ làm ít đi nhưng sản phẩm làm lại được nhiều hơn, hộ có thời gian để nghỉ ngơi, tham gia sinh hoạt tập thể địa phương, tham gia hội hè đình đám.

Máy dệt chiếu cũng chính là sản phẩm của người dân nơi đây. Để đáp ứng nhu cầu làm việc hai người thợ ở Nga Liên, một trong 8 xã vùng cói đã mày mò nghiên cứu và cho ra đời máy dệt chiếu như hôm nay. Từ khung dệt chiếu thủ công họ đã sang tạo ra máy dệt chiếu hiện đại. Đó cũng là những sáng tạo dựa trên truyền thống sẵn có của công đồng.

Điều đó thể hiện truyên thống lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của người dân nơi đây mỗi thời đại, trong mỗi hoàn cảnh, họ lại tiếp tục sang tạo để tạo ra những công cụ tiên tiến và sản phẩm có giá trị hơn.

Đa dạng độc đáo về sản phẩm

Theo lời các cụ kể lại, ngày xưa, chiếu cói Nga Sơn cùng chiếu cói của Kim Sơn (Ninh Bình) là một trong những vật cống tiến triều đình, được các bậc vua chúa, quý tộc ưa dùng. Trải qua hơn 150 năm tồn tại với không biết bao nhiêu thăng trầm, giờ đây, người dân Nga Sơn không đơn thuần chỉ dệt chiếu cói, nhiều sản phẩm từ cói đã được đôi bàn tay tài hoa, khối óc giàu tính sáng tạo của những người thợ đã "nâng đời" trở thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ với những nét hoạ tiết, văn hoa khác nhau dành cho xuất khẩu. Những tấm thảm lót sàn, chiếu xe đan, làn, dép đi trong nhà, đồ dùng trang trí,... đã có mặt tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nhưng không phải đến tận bây giờ, cây cói mới trở thành thế mạnh của kinh tế Nga Sơn mà ngay từ những năm 1965, những chiếc chiếu đậu, chiếu hoa, cùng các mặt hàng từ cói đã xuôi ngược khắp các nẻo đường đất nước từ những làng quê lên thành phố, từ những ngõ nhỏ lắt léo đến những đường phố lớn, từ bắc vào nam,... xa hơn nữa là thị trường các nước trên thế giới, chủ yếu là thị trường Ðông Âu.

Từ cói Nga Sơn đã tạo nên nhiều sản phẩm hấp dẫn khác: chiếu du lịch hai gấp, ba gấp, bốn gấp tiện lợi, giỏ đựng hoa quả, làn, bình hộp có nắp, đệm... kiểu dáng thanh thoát, trẻ trung. Trong số bạn hàng, Nhật Bản tỏ ra sốt sắng với sản phẩm cói. Từ nhiều năm trước doanh nghiệp Nhật đã đến Nga Sơn, liên hệ chặt chẽ với trên 50 doanh nghiệp cói xuất khẩu của 8 xã ven biển. Giờ đây chiếu cói Nga Sơn đã có hành lang thương mại rộng rãi đến với nhiều quốc gia.
Đa dạng chiếu cói Nga Sơn
Đa dạng chiếu cói Nga Sơn

Dựa trên đầu óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây có rất nhiều sản phẩm mới được ra đời. Bên cạnh việc cho ra đời các sản phẩm bằng cói độc đáo như thế, trong các loại chiếu cũng có sự ra đời của các mặt hàng mới chất lượng cao hơn mẫu mã đẹp hơn. Trong số các loại chiếu được sang tạo dựa trên các loại chiếu truyền thống thì có chiếu quân cò ra đời muộn và là sản phẩm được ưa chuộng hơn cả. Khi dệt chiếu quân cờ những sợi cói cùng màu sẽ làm nổi bật từng ô vuông quân cờ. Trên lá chiếu thường có hai hoặc bốn màu cói nếu 2 thì đỏ - vàng, nếu 4 thì đỏ - vàng - trắng – xanh. Do đó màu của chiếu quân cờ thường rất rực rỡ và nổi bật. Chiếu quân cờ đòi hỏi chất lượng cao mẫu mã đẹp là sản phẩm rất được ưa chuộng hiện nay.

Ở Nga Sơn bên cạnh việc sáng tạo ra các san phẩm trên thì quại và lõi là hai sản phẩm có giá tri cao cũng đang rất phát triển. Quại và lõi là hai sản phẩm được sử dụng từ nguyên liệu cói ngắn không dùng để dệt chiếu. Hai loại mặt hàng này chủ yếu dùng để xuất khẩu và một số dùng để làm thảm và chủ yếu cũng để xuất khẩu ra nước ngoài. Những công việc này được hầu hết người dân nơi đây làm vào lúc nông nhàn để tăng thêm thu nhập cho gia đình, thậm chí những em học sinh mới chỉ học tiểu học cũng đã làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Hiện nay chiếu Nga Sơn đang có những bước đi vững chắc cố gắng sử dụng tối đa những tiềm năng: vốn, thị trường, chính sách, nguyên liệu...Tuy nhiên trong điều kiện đất nước ta có nhiều làng nghề chiếu có lịch sử lâu đời thì việc tạo lợi thế cạnh tranh là một vấn đề hết sức cần thiết đòi hỏi phải có những hướng đi đúng đắn phù hợp, tiếp thu một cách có chọn lọc để sản phẩm quê mình ngày càng hoàn thiện nhưng phải giữ gìn bí quyết để chiếu Nga Sơn không bị trộn lẫn với các sản phẩm chiếu của nơi khác.

Như vậy với những gì đã được trình bày ở trên chúng ta có kết luận rằng tiềm năng phát triển nghề dệt chiếu ở Nga Sơn rất dồi dào và sẽ đạt được nhiều giá trị kinh tế hơn, góp phần giải quyết công ăn việc làm tạo thu nhập cho người dân vùng cói, để cái tên “chiếu Nga Sơn” sẽ còn in đậm mãi trong tâm trí của người dân Việt Nam và vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm