Bảo tồn nghề chạm bạc truyền thống của người Dao Khâu ở Tả Phìn

Bảo tồn nghề chạm bạc truyền thống của người Dao Khâu ở Tả Phìn
Khác với thực trạng một số nghề truyền thống không còn được người dân mặn mà thì ở xã Tả Phìn (Sìn Hồ, Lai Châu) - nơi có đông đồng bào Dao Khâu sinh sống, vẫn có những người nhiều năm nay quyết “giữ lửa” nghề chạm bạc truyền thống.

Chúng tôi may mắn được bà con giới thiệu và chỉ đường đến nhà người thợ chạm bạc khéo léo nhất nhì xã - Chẻo A Quẩy. Anh Quẩy năm nay gần 40 tuổi nhưng khi lên 10 tuổi anh đã được bố truyền nghề. Chia sẻ về nghề chạm bạc, anh Quẩy cho biết, khi còn nhỏ, anh thường phụ giúp bố một số công việc vặt tróng các khâu chạm bạc, dần dần anh say mê với những nét chạm khắc tinh xảo, khéo léo mà bố đã tỉ mẩn tạo nên trên trang sức bằng bạc của dân tộc mình. Theo thời gian, anh học từ bố những công đoạn cơ bản để chế tác ra sản phẩm, rồi tự mày mò, sáng tạo họa tiết, hoa văn theo ý thích như: rồng phượng, chim muông, cỏ cây, hoa lá... Để làm ra một bộ trang sức bạc mất rất nhiều thời gian, công đoạn. Với một chiếc vòng cổ dành cho phụ nữ có khối lượng 20 chỉ bạc phải làm từ 3 - 5 ngày; 1 bộ cúc bạc khoảng 16 chiếc mất 5 - 7 ngày; vòng tay, hoa tai, nhẫn từ 1 - 2 ngày; khó nhất là bộ xà tích có khối lượng từ 30-40 chỉ bạc sẽ phải mất từ 7 - 10 ngày. Một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua các công đoạn như: gò miếng bạc thành hình khối sản phẩm, ghép các chi tiết, tạo ra sản phẩm dạng thô và chạm trổ các chi tiết hoa văn. Nếu không phải làm ruộng nương, một tháng anh Quẩy có thể làm ra hàng chục bộ trang sức bằng bạc với các kiểu họa tiết, hoa văn bắt mắt, sau khi bán anh cũng lãi từ vài trăm nghìn đồng cho đến cả triệu đồng/bộ, có thể thu về khoảng 3-5 triệu đồng/tháng.
 
Anh Chẻo A Quẩy và các sản phẩm trang sức bằng bạc do anh chế tác.
Anh Chẻo A Quẩy và các sản phẩm trang sức bằng bạc do anh chế tác.

Cũng theo anh Quẩy, nghề chạm bạc là nghề cha truyền con nối, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Trước đây, bố làm thì truyền lại cho, anh đi mua bạc khối, bạc vụn về rồi đánh vòng cổ, vòng tay, nhẫn, cúc… sau đó đem bán để nuôi gia đình. Mặc dù, bây giờ làm nghề chạm bạc không thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống,  anh vẫn quyết tâm giữ nghề và sẽ tiếp tục truyền lại cho đời sau.

Đồ trang sức bằng bạc không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Dao Khâu, đặc biệt đó được thứ trang sức bất cứ cô gái nào cũng muốn sở hữu. Theo phong tục người Dao Khâu, các gia đình thường cất giữ bạc để sau này dùng vào việc cưới vợ, gả chồng cho con cái. Mỗi người con gái trước khi cưới sẽ được bố mẹ đẻ và nhà chồng tặng 1 - 2 bộ trang sức bạc tùy hoàn cảnh gia đình.

Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, để làm ra một bộ sản phẩm đảm bảo cả về hình thức lẫn kiểu dáng, nguyên liệu phải là bạc trắng, bạc thỏi nguyên chất, có độ tuổi, độ dẻo, độ bóng cao nếu không đảm bảo bạc sẽ xỉn màu nhanh, hay gẫy khi sử dụng… Điều quan trọng nhất đó là người làm nghề phải có đôi tay khéo léo, kiên trì, nhẫn nại, có mắt thẩm mỹ, trí tưởng tượng phong phú, cải tiến sản phẩm nhưng vẫn gìn giữ nét truyền thống của dân tộc.

Ông Tẩn Liều Sơn - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Tả Phìn nhấn mạnh: Nghề chạm bạc truyền thống của dân tộc Dao Khâu cần phải được gìn giữ, phát huy. Do vậy, xã  đã tích cực tuyên truyền, vận động để bà con lưu truyền từ đời này sang đời khác. Hiện nay, không chỉ bà con người Dao Khâu thích các sản phẩm chạm bạc truyền thống mà cả những du khách khi đến bản cũng rất ưa thích.

Trước đây, người Dao Khâu ở các xã như: Phăng Xô Lin, thị trấn Sìn Hồ và một số nơi khác cũng có nghề chạm bạc. Nhưng đến nay, theo thông tin chúng tôi thu thập được, chỉ còn 3 hộ dân ở xã Tả Phìn còn giữ nghề. Bảo tồn nghề chạm bạc truyền thống của người Dao Khâu không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc mà còn tạo điểm nhấn cho du lịch Sìn Hồ. Vì vậy, rất cần có sự đầu tư, sự quan tâm của các cấp, ngành để nghề chạm bạc của người Dao Khâu ở Tả Phìn ngày càng phát triển.
Theo baolaichau.vn

Có thể bạn quan tâm