Lễ tạ ơn của người Gia Rai

Lễ tạ ơn của người Gia Rai
Lễ tạ ơn thường được người Gia rai tổ chức vào khoảng tháng 11 cho tới tháng 1 âm lịch năm sau, khi mùa màng đã được thu hoạch.
 
Con cái phải chuẩn bị những bộ áo, váy, khố được dệt công phu, những chiếc vòng để tặng cha mẹ trước sự chứng kiến của cả buôn làng và các đấng thần linh. Không làm được lễ tạ ơn, họ sẽ bị dân làng chê bai.
 
Sau một thời gian tách hộ, đã chuẩn bị được đủ tiền của, lễ vật, cặp vợ chồng trẻ sẽ nhờ một vị già làng về nhà cha mẹ thông báo việc làm lễ tạ ơn. Được sự đồng ý của cha mẹ, vợ chồng người con mới chọn ngày lành tháng tốt, mang gà, heo, lễ vật, rước già làng quay về nhà bố mẹ để thực hiện nghi thức.
 
Sáng sớm, người nhà bắt heo gà làm thịt. Phần thịt ngon nhất, theo quan niệm của người Gia rai là mông, thăn, tim, gan... được cắt riêng, một phần đem nấu chín, một phần để sống trộn với huyết heo, bỏ vào bát đặt bên cây cột chính giữa nhà cùng một ghè rượu mới, thơm ngon.
 
Nghi thức cúng tạ ơn cha mẹ của người Gia rai. Ảnh: baomoi.com
Nghi thức cúng tạ ơn cha mẹ của người Gia rai. Ảnh: baomoi.com

 
Già làng Ay Ka, ở phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cho biết lễ tạ ơn là một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong đời người. Con cái sau khi lập gia đình, dù nghèo cũng phải cố chuẩn bị gà, heo làm lễ tạ ơn cha mẹ:
 
"Tuổi có vợ có chồng, cất nhà riêng mới làm được, chưa có vợ có chồng thì chưa được làm tạ ơn cho cha mẹ. Mỗi người con làm một lần thôi. Con dâu, con trai bàn bạc, đồng ý với nhau, thì dụ làm tạ ơn cho cha mẹ bên trai, 1-2 năm sau là làm cho cha mẹ bên vợ. Mình không làm tiếp năm sau đâu. Cách 2-3 năm, có tiền nữa, có heo nữa, thì mới làm. Phải bắt buộc làm vì mình nghĩ lúc mình mới đẻ thì ai nuôi mình, ai chăm sóc mình đến lớn? Mình phải tôn trọng cha mẹ".
 
Nghi thức chính được thực hiện ngay trong nhà của cha mẹ. Cha mẹ cùng con cái ngồi hai bên cây cột chính và ghè rượu. Già làng ngồi phía đối diện. Đầu tiên, già làng bốc một nhúm thịt sống trộn huyết heo, bôi lên tai ghè rượu, khấn mời các vị thần linh về chứng giám. Vừa khấn, ông vừa lấy một nhánh lá rừng, nhúng vào ghè rượu vẩy lên người cha mẹ và các con để cầu may mắn.
 
Khấn xong, già làng chất vấn vợ chồng người con: “Anh chị giết con heo cho cha mẹ để làm gì?”. Cặp vợ chồng trả lời: “Nay chúng con đã trưởng thành, đã lập gia đình, sinh con và làm ăn khấm khá. Vì vậy, hôm nay, chúng con giết con heo con gà này muốn tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ”. Già làng quay sang nói với cha mẹ của đôi vợ chồng trẻ: “Hôm nay, con của ông bà đập gà đập heo để làm lễ tạ ơn sinh thành, nuôi dưỡng chứ không đòi hỏi tiền bạc của cải gì của ông bà. Ông bà hãy nhận lấy món quà của các con”.
 
Già làng nói xong, lần lượt người con trai đem bộ áo, khố trao cho cha, con dâu đem váy, vòng tay, vòng cổ trao cho mẹ.
 
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, ở phường Thắng Lợi, cho biết bộ trang phục dâng tặng cha mẹ trong lễ tạ ơn bắt buộc phải là quần áo dệt tay theo truyền thống chứ không được mua hàng may sẵn: "Phải là áo quần truyền thống. Vòng là vòng bằng bạc. Người con dâu nào biết dệt thì sẽ dệt cho cả gia đình. Còn ai không biết dệt thì phải đặt người khác thôi. Mình bỏ công ra dệt thì ý nghĩa sẽ lớn hơn".
 
Mặc dù là nghi lễ thực hiện trong phạm vi gia đình, nhưng lễ tạ ơn luôn được xem là dịp vui của cả buôn làng, có sự góp mặt của đông đảo bà con. Khi những người con thực hiện xong nghi thức tạ ơn cha mẹ, tất cả bà con cùng ăn uống, múa hát chung vui với gia đình chủ nhà trong cả ngày hôm đó.
 
Dân làng đến, không ai đi tay không. Người góp ghè rượu, người góp gà, góp heo, hay mớ gạo mớ rau. Rồi ăn uống chung.
 
Đôi nào ở riêng 10 năm trở lên mà chưa làm lễ tạ ơn, thể nào dân làng cũng sẽ bàn tán, sẽ hỏi tại sao chưa làm lễ ấy, hỏi khi nào người dân làng mới được uống rượu của người con ấy.

Là một phong tục đẹp đề cao đạo hiếu, lễ tạ ơn cha mẹ vẫn được người Gia rai duy trì. Tùy từng địa phương, thủ tục, nghi lễ tạ ơn cha mẹ của người Gia rai có sự khác nhau. Như nhóm Gia rai sinh sống trên khu vực thành phố Pleiku thực hiện nghi lễ khá đơn giản, nhanh chóng như chúng tôi vừa giới thiệu. Còn nhóm Gia rai ở khu vực huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krong Pa lại có thêm tục để cha mẹ giẫm chân lên chiếc rìu với quan niệm rìu là vật tượng trưng cho sức mạnh.
Theo vov4.vov.vn

Có thể bạn quan tâm