Xóa đói, giảm nghèo ở Mường Ảng

Xóa đói, giảm nghèo ở Mường Ảng
Người dân Mường Ảng (Điện Biên) thu hoạch cà-phê. Ảnh:nhandan.com.vn
Người dân Mường Ảng (Điện Biên) thu hoạch cà-phê. Ảnh:nhandan.com.vn

Cây xóa đói, giảm nghèo

Với độ cao địa hình trung bình từ 700 đến 900m so với mực nước biển, huyện Mường Ảng được xem là một trong những khu vực có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để phát triển vùng chuyên canh cà-phê chất lượng cao. Nắm bắt được lợi thế đó, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng xác định cà-phê sẽ là “cây xóa đói, giảm nghèo”, cây trồng mũi nhọn trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.

Năm 1995, cây cà-phê chính thức có mặt trên đất Mường Ảng. Tiếp sau giống cà-phê truyền thống, còn có giống cà-phê chè Catimor và nhiều giống cà-phê quý khác đã giúp đồng bào dân tộc nơi đây vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ giá trị kinh tế cao và hương vị đặc biệt của cà-phê được trồng trên đất Mường Ảng, bộ mặt thôn bản đã có nhiều đổi mới. Diện tích cà-phê ngày càng tăng. Tính đến năm 2017, toàn huyện Mường Ảng có hơn 3.300 ha cà-phê; trong đó hơn 3.000 ha đang trong giai đoạn kinh doanh, cho thu hoạch. Vụ thu hoạch cà-phê năm nay đã bắt đầu được hơn một tháng, với sản lượng trung bình từ 15 đến 20 tấn/ha. Theo các cơ quan chức năng của huyện, đây là năm cà-phê được mùa.

Anh Nguyễn Ngọc Tứ, người dân xã Ẳng Cang cho biết: Gia đình anh đang tập trung trồng và phát triển 20 ha cây cà-phê, chủ yếu là giống cà-phê catimor và 5 ha cà-phê ghép, sản lượng ước đạt hơn 200 tấn quả tươi.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, các hộ trồng cà-phê còn tạo việc làm cho người lao động địa phương. Gia đình anh chị Thanh Kế, có hơn 3 ha cà-phê tại nông trường cà-phê Mường Ảng. Đến nay, diện tích cho thu hoạch khoảng 80%, gia đình đang thu hoạch lứa thứ hai. Trung bình mỗi ngày gia đình anh chị thuê khoảng 50 người hái, có thời điểm quả chín rộ phải thuê đến 100 người. Với giá hái thuê khoảng 2.200 đến 2.500 đồng/kg quả tươi, mỗi ngày một công nhân có thu nhập khoảng 200 nghìn đồng.

Khẳng định thương hiệu cà-phê Mường Ảng

Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Vụ cà-phê năm nay toàn huyện ước đạt 20 tạ/ha, sản lượng cà-phê trấu ước đạt 6.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2016. Nếu giá dao động từ năm đến chín nghìn đồng/kg quả tươi thì người dân đã có lãi.

Hiện huyện Mường Ảng có hơn 300 gia đình, cơ sở có hoạt động sơ chế cà-phê; bốn cơ sở sơ chế cà-phê bằng máy móc hiện đại. Song điều đáng nói, phần lớn lượng cà-phê do người dân sản xuất đều được bán cho thương lái và một số doanh nghiệp tư nhân ngoài địa bàn. Cho nên, câu chuyện được mùa - mất giá đã trở thành điều không mới với người dân nơi đây.

Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở Lường Văn Thoạn cho biết: Xã hiện có 581 ha cà-phê. So với mọi năm, sản lượng cà-phê năm nay cao hơn nhiều do được đầu tư chăm bón. Xác định được tiềm năng phát triển, xã đã vận động người dân tận dụng đất nương lúa bỏ hoang để mở rộng thêm diện tích cà-phê. Các hộ nghèo muốn trồng sẽ được hỗ trợ cây giống theo nguồn vốn 30a.

Người dân Mường Ảng thu hoạch cà-phê. Ảnh: Nguồn dienbien.gov.vn
Người dân Mường Ảng thu hoạch cà-phê.
Ảnh: Nguồn dienbien.gov.vn

Diện tích cà-phê tăng, đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, nạn ô nhiễm môi trường từ việc sơ chế cà-phê cũng rất đáng lo ngại. Vỏ cà-phê sau sơ chế được chất thành đống cho tự phân hủy, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Để giảm ô nhiễm, huyện Mường Ảng đã chỉ đạo chính quyền các xã tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, hộ gia đình ký cam kết bảo vệ môi trường; tuyên truyền để người dân gom vỏ cà-phê ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa giải quyết ô nhiễm môi trường, tạo lợi ích kép cho người trồng cà-phê.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: Với mục tiêu tạo ra sản phẩm cà-phê có chất lượng sạch, thân thiện với môi trường, có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định, chúng tôi luôn xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu. Nhiều năm qua, huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ngay từ khâu lựa chọn giống cà-phê.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân thu hái đúng kỹ thuật được chính quyền đặc biệt chú trọng, do đây là khâu quan trọng quyết định bước đầu chất lượng và giá bán. Theo người dân, để cà-phê đạt chất lượng cao nhất, yêu cầu đầu tiên là quả phải được hái đúng tầm chín. Tỷ lệ quả chín hoặc chín vừa phải đạt từ 95% trở lên (trừ đợt thu hoạch lần cuối). Cà-phê thu hái xong phải chế biến ngay, nếu không phải trải quả trên nền gạch cho thoáng mát, không được ủ đống tránh tình trạng quả nóng và lên men.

Huyện Mường Ảng đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người trồng cà-phê được tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà-phê vào địa bàn theo công nghệ tiên tiến, công suất hợp lý để thu mua sản phẩm cho người dân, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Công sức đầu tư cho cây cà-phê của người dân huyện Mường Ảng rất lớn. Nhưng để cà-phê Mường Ảng có thể vượt qua vùng lòng chảo của tỉnh Điện Biên chiếm lĩnh thị phần trong nước, vươn ra thế giới, rất cần chính quyền huyện, tỉnh đầu tư thỏa đáng về vốn và nguồn giống giúp người dân từng bước tiếp cận khoa học kỹ thuật, hướng tới sản xuất sạch. Cùng với đó là đăng ký thương hiệu, xin cấp mã số định danh cho cà-phê Mường Ảnh từng bước khẳng định thương hiệu cà-phê Mường Ảng, cũng như để người dân có trách nhiệm với sản phẩm do mình làm ra.
Theo nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm