Vẫn khó “cởi trói” hạn điền trong phát triển nông nghiệp

Vẫn khó “cởi trói” hạn điền trong phát triển nông nghiệp
Vẫn còn nhiều vướng mắc 

Đã từ lâu, Chính phủ ban hành chính sách người cày có ruộng và quy định chặt chẽ hạn điền đối với hộ nông dân. Tuy nhiên, chính sách này chỉ phù hợp với sản xuất nhỏ lẻ, không mang tính thương mại. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp Việt Nam hội nhập với thị trường thế giới. Cạnh tranh về chất lượng, giá trị sản phẩm được đặt lên hàng đầu, thì chính sách hạn điền đã không còn phù hợp. 

"Mặt khác, thêm một bất cập là nhà nước chưa có chính sách rõ ràng về tích tụ và phân chia ruộng đất. Đối với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp thì thu tiền sử dụng đất, còn các hộ nông dân, nhà nước miễn thuế, điều này tạo nên sự thiếu công bằng trong đầu tư, sử dụng đất hiệu quả và hợp lý", TS Trần Du Lịch chia sẻ.
 
Ảnh: internet
Ảnh: internet
Cũng vấn đề hạn điền và thời hạn sử dụng hạn điền, PGS. TS Võ Trí Hảo, Phó Trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với một diện tích sản xuất nhỏ hơn quy chuẩn, chắc chắn nông dân sẽ dễ dàng thua lỗ. Bởi, mức đầu tư manh mún, vật tư nhỏ lẻ cũng là một nguyên nhân làm cho giá thành sản xuất cao hơn, khó áp dụng kĩ thuật cao, cơ giới hóa vào sản xuất đồng loạt. Hơn nữa, khi thời hạn sử dụng đất có giới hạn thì các nhà đầu tư khó dồn hết sức đầu tư vì khi đáo hạn, cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều loay hoay trong việc gia hạn mới. 

Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư Xây dựng Tân Đô cho biết, đã có rất nhiều trường hợp nhà nước thu hồi đất của nông dân lập dự án đã gây nên “làn sóng” phản đối. Vì vậy, khi nông dân không được đảm bảo đời sống thì việc tích tụ ruộng đất trở thành vấn đề gây hệ lụy cho xã hội, chính những nông dân trở thành những thành phần phức tạp, khó xử lý của xã hội. 

Theo ông Trần Thế Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, ngoài yếu tố tích tụ ruộng đất theo quy luật tự nhiên, cơ chế thị trường và sự tự nguyện của nông dân, chính quyền địa phương nói riêng và Chính phủ phải có chính sách giải quyết việc làm ổn định cho nông dân, giúp họ có thêm thu nhập ngoài mảnh ruộng. Thế nhưng, rất nhiều trung tâm dạy nghề tại các địa phương không phát huy được hiệu quả, thậm chí phải đóng cửa vì không thu hút được người học nghề. 

Như vậy, việc tích tụ ruộng đất phục vụ cho phát triển nông nghiệp hiện đại nếu không có chính sách hợp lý sẽ luôn là một vòng lẩn quẩn không có hồi kết. 

Để nông dân "cất cánh" trên đồng ruộng của mình 

"Để giải quyết vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định về hạn điền và thời gian sử dụng hạn điền là điều mấu chốt phải được giải quyết trước tiên. Chính quy định hạn điền đã vô hình chung trở thành sợi dây trói buộc nông dân “cất cánh” trên đồng ruộng của mình", TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam chia sẻ. 

Nói đến việc giải quyết hạn điền, trường hợp ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An là một ví dụ điển hình. Ông bắt đầu khai hoang đất đai, mua bán tích tụ đất sản xuất nông nghiệp từ 40 năm trước để nuôi tôm, trồng chuối, trồng bưởi, xoài. Cho đến nay, diện tích sản xuất của ông Huy đạt trên dưới 1.000 ha, trải khắp 6 tỉnh từ miền Đông Nam bộ đến miền Tây Nam bộ. 
Tuy nhiên, vì chính sách hạn điền, ông không thể đứng tên sử dụng toàn bộ diện tích này, mà phải nhờ nhiều người đứng tên hộ. Khi có mâu thuẫn xảy ra với người đứng tên đất sản xuất của ông Huy, ông đã mất nhiều thời gian và chi phí để hòa giải, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. 

PGS.TS Phan Chánh Dưỡng, Giảng viên Đại học Fulbright (Hoa Kỳ) tại Việt Nam cũng cho rằng, nông dân gắn liền với mảnh ruộng, và giá trị mảnh ruộng mang lại dựa vào kiến thức, trình độ sáng tạo của nông dân. Đây chính là không gian sinh tồn của nông dân. 

Do đó, để việc tích tụ ruộng đất diễn ra một cách tự nhiên và khả thi hơn, hướng tới quy mô lớn cho quy hoạch 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì nhà nước cần có chính sách, chế tài về đất đai như: chuyển nhượng đất đai theo giá thị trường, dựa trên tinh thần tự nguyện. Đồng thời, đảm bảo không gian sinh tồn cho nông dân bằng các hình thức cổ phần hóa đất nông nghiệp trong doanh nghiệp, nông dân trở thành cổ đông trong góp đất của từng vùng nông nghiệp công nghệ cao. 

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, ngoài việc thay đổi quy định, chế tài trong cho thuê, chuyển nhượng, góp vốn bằng đất của nông dân với doanh nghiệp, nhà nước cũng cần có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở nông thôn. 

Đồng thời, cũng phải có chính sách mở cho doanh nghiệp được sở hữu đất nông nghiệp, mới có thể tạo thế chân vạc "nông nghiệp - phi nông nghiệp - đô thị" làm nền tảng thúc đẩy nông nghiệp phát triển, giúp nông dân giữ được đất và dần đô thị hóa nông thôn, áp dụng kĩ thuật cao vào sản xuất. Có như vậy, phát triển nông nghiệp được quy hoạch đồng bộ hơn, không xảy ra thừa sản phẩm và phải giải cứu một số mặt hàng như thịt lợn, dưa hấu, chuối, hành tím… như thời gian qua. 

Có thể nói, nền nông nghiệp Việt Nam muốn cất cánh đều phụ thuộc vào việc quy hoạch diện tích sản xuất, đổi mới quy định dồn điền đổi thửa nhưng vẫn đảm bảo không gian sinh tồn cho nông dân, để nông dân không còn trực tiếp cày trên ruộng của mình nhưng vẫn có thu nhập lâu dài, ổn định. Khi làm được điều này, việc tập trung ruộng đất cho ngành nông nghiệp công nghệ cao mới có thể khả thi. 

Hồng Nhung
TTXVN

Có thể bạn quan tâm