Trà Vinh tạo bước đột phá mới cho nông nghiệp (Bài 2)

Trà Vinh tạo bước đột phá mới cho nông nghiệp (Bài 2)
Bài 2: Tăng tính cạnh tranh cho nông sản hàng hóa Tỉnh Trà Vinh đang nỗ lực tạo bước đột phá mới cho nền nông nghiệp. Quyết tâm của tỉnh là xóa bỏ triệt để phương thức sản xuất cũ, lạc hậu, hướng đến xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ruộng dưa leo của gia đình anh Thạch Pô La, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh sau khi chuyển đổi cho thu nhập tăng gấp 5 lần so với trồng lúa. Ảnh: Thanh Hòa –TTXVN
Ruộng dưa leo của gia đình anh Thạch Pô La, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh sau khi chuyển đổi cho thu nhập tăng gấp 5 lần so với trồng lúa. Ảnh: Thanh Hòa –TTXVN
Xóa bỏ phương thức sản xuất yếu kém Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu đến năm 2020 đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4%/năm; trong đó, sản xuất lúa đạt khoảng1,3 triệu tấn/năm, giá trị trồng trọt đạt 130 triệu đồng/ha/năm. Về chăn nuôi, tỉnh phấn đấu đạt tổng lượng thịt hơi gia súc, gia cầm khoảng 100.000 tấn/năm; thủy sản đạt tổng lượng 320.000 tấn tôm, cá các loại và đưa giá trị sản xuất bình quân 1 ha mặt nước đạt 320 triệu đồng/năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Kim Ngọc Thái cho biết, để thực hiện được mục tiêu của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đang tập trung tối đa nhiều nguồn lực, thực thi nhiều chính sách, chương trình để tạo sức đột phá mới. Thực trạng của ngành nông nghiệp tỉnh đang vướng mắc nhiều khó khăn, phải cần xóa bỏ triệt để những phương thức sản xuất yếu kém hiện hữu và thực thi đồng bộ các giải pháp mang lại hiệu quả tích cực. Ông Ngọc khẳng định, các giải pháp mà tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ là tiến hành rà soát lại để bổ sung quy hoạch từng vùng sản xuất để đáp ứng cho yêu cầu phát triển; chấm dứt tình trạng nhiều địa phương chuyển đổi sản xuất quyết liệt, nhưng không bám theo quy hoạch, dẫn đến sản xuất tự phát, theo “phong trào”, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thị trường, tác động xấu đến môi trường. Cùng đó, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, nhất là ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị, thuận lợi tìm đầu ra cho sản phẩm được đẩy mạnh; xây dựng và chuyển giao các mô hình nông nghiệp hiệu quả, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Nhiều địa phương trong tỉnh tăng cường hơn nữa việc vận động, khuyến khích hỗ trợ nông dân tham gia vào kinh tế tập thể kiểu mới để hạn chế tình trạng sản xuất hộ nhỏ lẻ, manh mún; không tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, khó nâng cao chất lượng và xây dựng được thương hiệu sản phẩm. Sản xuất phải gắn liền tiêu thụ sản phẩm, nên tỉnh đã và đang thực hiện các chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhằm tạo đảm bảo mối liên kết hài hòa, ổn định từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện tỉnh đang triển khai Quyết định Số 04/2015/QĐ-UBND, ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.Đột phá từ công nghệ cao Tại hội thảo chuyên đề “Nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp Trà Vinh”, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Trà Vinh muốn khai thác tốt tiềm năng, phát triển ngành nông nghiệp bền vững phải xem công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật là giải pháp tạo đột phá. Qua đó, sẽ đem đến ưu thế như giảm chi phí giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho nông sản hàng hóa. Theo tiến sĩ Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, đối với nuôi trồng thủy sản hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao được xem là giải pháp duy nhất để phát triển hiệu quả và bền vững. Trà Vinh có tiềm năng, thế mạnh lớn về nghề nuôi tôm nước mặn và lợ nên tỉnh cần tập trung cho công tác quy hoạch để phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, nuôi hữu cơ gắn với việc tổ chức lại sản xuất nhằm kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Đây là hướng phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm của Trà Vinh, hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường, tránh được tình trạng năm được mùa, năm mất, tạo ra sản phẩm tôm sạch, dễ tiếp cận thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm con tôm Trà Vinh. Về trồng trọt, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng cho rằng, Trà Vinh cần phải hướng đến sản xuất hữu cơ sinh học.  Khi nói đến chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trước hết cần có định hướng, cần xác định đúng điều kiện đất đai, thị trường cần để hướng đến trồng cây gì, nuôi con gì nhằm  đảm bảo đầu ra. Trong thời kỳ hội nhập, sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường rất gay gắt, sản xuất nông nghiệp cần đạt mục tiêu là sản xuất hàng hóa, đưa yếu tố chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp lên hàng đầu. Nông dân Trà Vinh cần phải đổi thói quen, nâng cao nhận thức, nâng cao trình độ sản xuất, xóa bỏ triệt để tập quán mạnh ai nấy làm, đất ai nấy giữ, trồng trọt, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Hiệu quả thực tế về sản xuất công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch nâng cao giá trị đã được khẳng định trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong 3 năm gần đây. Mô hình sản xuất lúa hữu cơ được liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tại 2 xã Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành đã đem lại sự phấn khởi cho hơn 170 hộ nông dân tham gia. Với hơn 161 ha trồng lúa hữu cơ sinh học, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với mức giá cao hơn 1,5 lần so với giá lúa thường. Mô hình trồng lúa hữu cơ sinh học kết hợp hoặc luân canh nuôi thủy sản như cua, tôm càng đem lại mức lợi nhuận bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm. Năm nay, Trà Vinh thành công lớn với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Hơn 100 hộ dân ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải được Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật nuôi với diện tích gần 150 ha, đạt sản lượng 50 – 55 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/ha, cao gấp 5 lần so với nuôi tôm thâm canh không ứng dụng công nghệ cao. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi về làm việc với lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ rõ, nông nghiệp theo khái niệm mở rộng vẫn là hướng ra quan trọng đối với Trà Vinh. Theo đó, tỉnh nên hướng vào lúa chất lượng cao, lúa cao sản, thậm chí cả gạo dinh dưỡng, muốn xuất khẩu phải tìm hướng đi. Thủ tướng mong muốn, Trà Vinh phải trở thành những trung tâm sản xuất tôm của Việt Nam để đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Một hướng đi nữa là Trà Vinh tập trung phát triển cây ăn quả, vì “1 ha bưởi hay cam sành thì năng suất, hiệu quả bằng 10 ha lúa”. Những gợi mở của Thủ tướng và góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học đủ để khẳng định, Trà Vinh muốn thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải đột phá bằng phương thức sản xuất công nghệ cao. Có như vậy, nền sản xuất nông nghiệp mới thực sự hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững như mục tiêu của tỉnh đã định.
Phúc Sơn

Có thể bạn quan tâm