Thừa Thiên - Huế hỗ trợ trên 53 tỷ đồng cho phát triển hợp tác xã

Thừa Thiên - Huế hỗ trợ trên 53 tỷ đồng cho phát triển hợp tác xã
Thành viên HTX Thanh niên Điền Hương tham gia nuôi bò. Ảnh: baothuathienhue.vn
Thành viên HTX Thanh niên Điền Hương tham gia nuôi bò.
Ảnh: baothuathienhue.vn
Các chính sách hỗ trợ gồm: hỗ trợ thu hút và đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ về thành lập mới, sáp nhập hợp tác xã; hỗ trợ hợp tác xã hoạt động. Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh hỗ trợ cho khoảng 102 hợp tác xã với tổng nguồn kinh phí đã nêu trên. Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2020 có 178 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả theo "Đề án xây dựng 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả của Trung ương". Theo đó, mỗi hợp tác xã được hỗ trợ tối đa không quá 2 người để áp dụng hình thức hỗ trợ thu hút hoặc đào tạo nhân lực. Về thu hút cán bộ, nhất là đối với sinh viên tốt nghiệp ra trường mong muốn làm việc tại các hợp tác xã thời gian đầu, được hỗ trợ hàng tháng thêm bằng 50% mức lương tối thiểu vùng với thời gian hỗ trợ trong 3 năm. Ngoài ra, hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho người lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc tại các hợp tác xã. Về đào tạo cán bộ của hợp tác xã, cán bộ được cử đi đào tạo và được cấp bằng đại học sẽ được hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng/người/năm (hỗ trợ trong 4 năm học); đào tạo và được cấp bằng cao đẳng hỗ trợ khoảng 35 triệu đồng/người/năm (hỗ trợ trong 3 năm). Về hỗ trợ về thành lập mới, sáp nhập hợp tác xã, đối với hợp tác xã thành lập mới có số lượng thành viên từ 7 đến dưới 50 thành viên được hỗ trợ với mức không quá 30 triệu đồng. Hợp tác xã có số lượng thành viên từ 50 - 199 thành viên được hỗ trợ với mức không quá 40 triệu đồng. Hợp tác xã có số lượng thành viên từ 200 thành viên trở lên được hỗ trợ với mức không quá 50 triệu đồng. Liên hiệp hợp tác xã thành lập mới được hỗ trợ không quá 30 triệu đồng. Hợp tác xã sáp nhập, hợp nhất được hỗ trợ 50% kinh phí như đối với thành lập mới hợp tác xã. Ông Cái Vĩnh Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã được xây dựng dựa trên kết quả đánh giá tình hình hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Các mức hỗ trợ đã căn cứ Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính và khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Sắp tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sẽ cân đối nguồn lực để sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh, góp phần hỗ trợ vốn, giúp cho các hợp tác xã duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo việc làm cho lao động địa phương. Các địa phương trong tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo hỗ trợ đúng mục đích và nguồn ngân sách hỗ trợ được hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phải xem xét sự chuyển tiếp chính sách này trong giai đoạn tiếp theo. Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 239 hợp tác xã gồm: 168 hợp tác xã nông nghiệp, 22 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 22 hợp tác xã vận tải và các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực khác; trong đó, có 1 Liên hiệp hợp tác xã đang hoạt động và 206 hợp tác xã hoạt động phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012. Tính bình quân, doanh thu đạt 2.772 triệu đồng/hợp tác xã/năm. Thu nhập bình quân của một hợp tác xã là 120 triệu đồng/năm và thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã là 25 triệu đồng/năm. Theo đánh giá của tỉnh Thừa Thiên - Huế, quy mô các hợp tác xã trên địa bàn còn nhỏ, số lượng lao động thường xuyên tại hợp tác xã còn hạn chế. Tiềm lực nội tại của các hợp tác xã hạn chế và yếu thế trong việc cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Các hợp tác xã nông nghiệp chỉ mới làm dịch vụ đầu vào, chưa mạnh dạn thực hiện liên doanh, liên kết để mở thêm ngành nghề mới. Bên cạnh đó, vốn và hạ tầng kỹ thuật của hợp tác xã còn yếu kém là một trong những khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hợp tác xã trong quá trình chuyển đổi và xây dựng mới...
Quốc Việt

Có thể bạn quan tâm