Tạo điều kiện cho người dân, cơ quan tổ chức cá nhân thực hiện quyền tố cáo

Tạo điều kiện cho người dân, cơ quan tổ chức cá nhân thực hiện quyền tố cáo
Chiều 23/11/2017, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường để thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ảnh: Văn Điệp – TTXVN
Chiều 23/11/2017, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường để thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý dự án luật. Dự án đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện với nhiều nội dung quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm cụ thế hóa được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong Luật Tố cáo hiện hành.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, trong đó có Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong công tác tiếp nhận, thông báo kết quả giải quyết tố cáo… Dự án Luật cần được góp ý kiến để khi được thông qua sẽ phản ánh đầy đủ ý kiến của các tầng lớp nhân dân, khẳng định quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đảm bảo tính khả thi.

Một số ý kiến cho rằng hiện nay có tình trạng người dân không biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Do đó, dự án Luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định rõ cơ quan tiếp nhận tố cáo; tạo điều kiện cho người dân, cơ quan tổ chức cá nhân thực hiện quyền tố cáo, nhằm đảm bảo lợi ích nhà nước và công dân. Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng do người tố cáo lo sợ nên mới sử dụng đơn thư nặc danh, bởi họ sợ bị trù dập. Cơ quan nào, người nào có trách nhiệm chủ trì chính việc bảo vệ người tố cáo? Ví dụ cơ quan công an bảo vệ, người dân sẽ yên tâm, còn nếu quy định chính quyền chung chung sẽ gây tâm lý e sợ cho người tố cáo.

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Quách Sĩ Hùng, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị cần có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Tố cáo là “tư tố”, nếu “tư tố” mà không có cơ chế bảo vệ tốt nhất thì người dân sẽ không tố cáo, đó là thực tế cuộc sống. Vì vậy để có tính khả thi, dự án Luật cần có quy định rõ ràng về nội dung này.

Một số ý kiến thể hiện sự băn khoăn về việc bỏ thời hiệu của hành vi vi phạm pháp luật để tố cáo và giải quyết tố cáo. Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh việc không quy định thời hiệu trong dự thảo Luật sẽ ảnh hưởng đến uy tín của người bị tố cáo, làm phát sinh trách nhiệm của cơ quan giải quyết tố cáo, liên quan đến không còn thời hiệu để giải quyết.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến nêu quan điểm: cần nghiên cứu để dự án Luật phù hợp với thời hiệu của các Luật tương ứng có liên quan và đối với những hành vi, loại hành vi tương ứng có liên quan. Đây là việc phức tạp nhưng rất cần thiết, bởi liên quan đến quyền, lợi ích của người bị tố cáo, liên quan đến thẩm quyền trách nhiệm, thời gian, công sức, tiền bạc của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết tố cáo.

Nhiều ý kiến cũng tập trung thảo luận về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; hình thức tố cáo, điều kiện thụ lý tố cáo; trách nhiệm của người giải quyết tố cáo.
Phúc Hằng

Có thể bạn quan tâm