Tăng cường năng lực ứng phó và thích nghi cho người dân vùng ven biển ở Bến Tre

Tăng cường năng lực ứng phó và thích nghi cho người dân vùng ven biển ở Bến Tre
Theo Ban Quản lý dự án RADCC, dự án gồm 3 hợp phần là tăng cường năng lực và nguồn lực cho cán bộ địa phương và cộng đồng trong việc giảm nhẹ rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực sản xuất và thu nhập cho người nghèo thông qua các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và học nghề; cải thiện nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường cho người nghèo.
Tổng kết dự án RADCC. Ảnh: bentre.gov.vn
 Tổng kết dự án RADCC. Ảnh: bentre.gov.vn
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, sau gần 5 năm thực hiện, dự án đạt được một số kết quả quan trọng như cải thiện được năng lực quản lý rủi ro thảm họa và khí hậu của chính quyền địa phương thông qua việc lồng ghép kế hoạch phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; nâng cao nhận thức của các thành viên nam và nữ trong cộng đồng về những rủi ro thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu qua hoạt động đăng ký cải thiện hành vi giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu bằng phương pháp truyền thông giáo dục hành động. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, điểm nội bật của dự án là hợp phần “Nâng cao năng lực sản xuất và thu nhập cho người nghèo thông qua các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và học nghề”. Cụ thể là các mô hình chăn nuôi dê sinh sản, chăn nuôi bò và tổ hợp tác may túi xách, đã góp phần cải thiện thu nhập, giúp nhiều hộ ở vùng ven biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre thoát nghèo.
Hộ anh Bùi Quốc Trường ngụ tại ấp Thạnh Khương xã Bảo Thuận thuộc diện nghèo thiếu đất sản xuất, được dự án Radcc hỗ trợ hai con dê giống. Ảnh biengioibienbentre.vn
Hộ anh Bùi Quốc Trường ngụ tại ấp Thạnh Khương xã Bảo Thuận thuộc diện nghèo thiếu đất sản xuất, được dự án Radcc hỗ trợ hai con dê giống. Ảnh biengioibienbentre.vn
Đến nay, có 2.757 hộ được nhận hỗ trợ sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực kỹ thuật, lập kế hoạch sản xuất cho hộ; tỷ lệ thoát nghèo của các hộ nhận hỗ trợ của dự án cao hơn 20% so với tỉ lệ thoát nghèo của hộ ngoài dự án. Dự án đã hỗ trợ 2.493 con dê sinh sản cho 2.294 hộ và thành lập được 79 nhóm cùng sở thích chăn nuôi dê tại 15 xã dự án thuộc 3 huyện Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại. Từ số dê hỗ trợ ban đầu, đến nay tổng đàn dê của dự án phát triển lên hơn 5.000 con. Qua thực hiện dự án, với tổng giá trị hỗ trợ ban đầu là 11 tỷ đồng thì tổng giá trị đàn dê hiện tại là hơn 20 tỉ đồng, góp phần cải thiện thu nhập của người dân, nâng số hộ thoát nghèo lên 442 hộ. Thông qua dự án, có 100% các hộ hưởng lợi đã tiếp cận với kiến thức và phương pháp nuôi dê và bò sinh sản thích ứng biến đổi khí hậu. Cùng với đó, hoạt động xây dựng chuỗi giá trị dê đã kết nối được các bên liên quan trong tác nhân của chuỗi, nâng cao vai trò và cam kết của thương lái, thương lái đã hỗ trợ nhiều hơn cho người dân  quy trình sản xuất ngày càng hoàn thiện và mang lại sản phẩm sạch an toàn cho người tiêu thụ.  Tại vùng dự án, có 33 xã triển khai lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội có lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; 8.735 hộ đã nâng cao nhận thức cải thiện hành vi giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và 991 hộ được tham gia diễn tập huấn cứu hộ và có khả năng ứng phó trong tình huống khẩn cấp.  Dự án còn hỗ trợ cho các huyện ven biển lắp đặt hệ thống loa phát thanh, thiết bị quan trắc đo độ mặn và độ PH. Qua hệ thống đài phát thanh huyện, không chỉ người dân tại các xã dự án mà tất cả các xã trên địa bàn 3 huyện đều được tiếp cận với thông tin, nâng cao nhận thức về rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Các thông tin về thời tiết, quan trắc môi trường, giá cả thị trường, mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu giúp người dân chủ động mùa vụ sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật sản xuất thích ứng để giảm nhẹ rủi ro. Ngoài ra, dự án đã giúp 6.741 hộ nghèo vùng ven biển tiếp cận nước sạch. Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Phó Giám đốc Quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhận định, với mục tiêu là "Tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng của người nghèo (đặc biệt là phụ nữ) và chính quyền địa phương đối với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu trong các cộng đồng ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam", dự án RADCC tại Bến Tre đã đạt được những thành quả tốt đẹp, đem lại thay đổi đáng kể trong cộng đồng các xã dự án và là bài học kinh nghiệm cho ban, ngành tỉnh và địa phương trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Công Trí

Có thể bạn quan tâm