Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số ở Đồng Nai

Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số ở Đồng Nai
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đa số học sinh dân tộc thiểu số ở Đồng Nai khi mới bước vào lớp 1 đều hạn chế trong việc sử dụng tiếng Việt như, phát âm không đúng chính tả, viết từ, câu sai vần, mau quên. Nhiều học sinh hạn chế trong sử dụng vốn từ, viết không trọn câu, diễn đạt chưa hết ý… do đó việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số là rất cần thiết. Đề án nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, đề án cũng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục; bổ sung đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học trong công tác tăng cường tiếng Việt; phối hợp với cha mẹ trẻ, cộng đồng, nguồn lực đầu tư cho các địa phương để nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt. Cụ thể, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh huy động ít nhất 25% trẻ em người dân tộc thiểu số độ tuổi nhà trẻ ra lớp; 65% trẻ em người dân tộc thiểu số độ tuổi mẫu giáo ra lớp; trong đó 100% trẻ em dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường Tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. 100% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo có thể trao đổi, giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt một cách thành thạo trên cơ sở vẫn bảo tồn được tiếng mẹ đẻ. Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Đồng Nai có ít nhất 40% trẻ em người dân tộc thiểu số độ tuổi nhà trẻ, 85% trẻ em người dân tộc thiểu số độ tuổi mẫu giáo trong toàn tỉnh ra lớp. Trong đó, đảm bảo 100% trẻ em dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Bên cạnh đó, huy động 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số ra lớp đúng độ tuổi; hằng năm 100% học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số được tập trung tăng cường tiếng Việt. 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và tiểu học dạy vùng dân tộc thiểu số được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt. 100% các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có học sinh cần tăng cường tiếng Việt được bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi, tài liệu, học liệu, phần mềm phục vụ dạy học. Toàn bộ kinh phí thực hiện dự án do ngân sách Nhà nước cấp từ nguồn chi thường xuyên cho ngành giáo dục và đào tạo.
Lê Xuân

Có thể bạn quan tâm