Quảng Ngãi phát triển vùng trồng mây tạo sinh kế bền vững cho người dân

Quảng Ngãi phát triển vùng trồng mây tạo sinh kế bền vững cho người dân
Ba Tơ là 1 trong 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi với diện tích đất tự nhiên hơn 113.600 ha; trong đó đất lâm nghiệp chiếm hơn 95.500 ha (84%), phân bố rộng khắp trên 20 xã, thị trấn của huyện. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Hre với trên 54.000 người, đời sống dân sinh còn thấp, chủ yếu dựa vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chủ yếu là trồng keo.
Người dân thôn Nước Lá, Ba Vinh (Ba Tơ) phơi mây đã thu hoạch chờ người đến thu mua. Ảnh: baoquangngai.vn
Người dân thôn Nước Lá, Ba Vinh (Ba Tơ) phơi mây đã thu hoạch chờ người đến thu mua. Ảnh: baoquangngai.vn
Giai đoạn 2011- 2016, huyện Ba Tơ đã giao cho Trạm Khuyến nông huyện triển khai đề tài khoa học (đã được công nhận): Trồng và phát triển cây mây nước, sa nhân tím dưới tán rừng phòng hộ nhằm mục đích tạo được nguồn lợi của lâm sản ngoài gỗ, nâng cao ý thức bảo vệ rừng bền vững và tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, riêng cây mây nước được trồng tại 2 xã Ba Trang và Ba Khâm bắt đầu từ năm 2012, với tổng quy mô đầu tư 80ha, thu hút 40 hộ tham gia. Sau 5 năm trồng và chăm sóc, cây mây phát triển và sinh trưởng tốt, trở thành cây trồng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Hre. Cũng nhờ sự quyết tâm vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân mà diện tích vùng nguyên liệu mây của toàn huyện được mở rộng đáng kể, lên tới hơn 362 ha (ngoài 80 ha mô hình, có hơn 258 ha tự nhiên và hơn 20 ha rừng trồng phân tán tại các xã Ba Vinh, Ba Điền, Ba Lế, Ba Bích, Ba Nam, Ba Xa, Ba Tô)... góp phần làm hồi sinh những rừng mây nơi đại ngàn từng đứng trước nguy cơ bị ”xóa sổ” do bị khai thác quá mức theo kiểu tận diệt. Ngoài việc khai thác mây phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như làm nhà, làm vật dụng dùng trong lao động sản xuất, người dân đã nghĩ tới việc kiếm thêm thu nhập bằng cách bán cho thương lái vùng xuôi, cho các cơ sở đan lát mây truyền thống... Mỗi ngày, mỗi hộ có thể thu hoạch được 30 - 50 kg mây, với giá bán tại rừng là 4.000 đồng/kg và tại thị trấn Ba Tơ là 4.500 đồng/kg, thu nhập từ 120.000 - 220.000 đồng/ngày. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành 1 vườn ươm quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu về giống mây chất lượng cho đồng bào Hre. Định hướng của huyện Ba Tơ trong thời gian tới là đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mây mang tính cạnh tranh cao phục vụ sản xuất; phát triển vùng nguyên liệu mây nhằm đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Từ đó xoá bỏ dần tập quán thu hoạch lâm sản ngoài gỗ trong rừng tự nhiên, hướng dẫn nông dân trồng theo hướng kiểm soát, bảo vệ và đầu tư thâm canh, thu hoạch bền vững; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện môi trường sống… tiến tới thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu về giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, huyện sẽ mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến mây thành phẩm nhằm tăng giá trị sản phẩm; khuyến khích những hộ tham gia trồng mây, có tâm huyết với nghề này thành lập Tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất để có cơ hội mở rộng, tìm kiếm thị trường, đối tác, khai thác vốn, công nghệ mới. Ông Phan Quang Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ba Tơ cho hay, hiện Công ty TNHH MTV Âu Cơ (Quảng Nam) đang đặt vấn đề với huyện về việc thực hiện dự án trồng, chăm sóc, bao tiêu sản phẩm mây sau thu hoạch theo hình thức nước ngoài hỗ trợ vốn. Đó là tín hiệu vui cho người dân Ba Tơ.
Vĩnh Trọng
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm