Quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen

Quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen
Vấn đề tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen đã được quy định chủ yếu tại Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Nghị định số 65/2010 ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học và một số văn bản khác. Mặc dù những văn bản trên đã tạo ra một khung pháp lý cơ bản với các quy định tối thiểu về quản lý hoạt động tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, nhưng Việt Nam vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về quy trình cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cấp/thu hồi giấy phép, quy định về lợi ích tiền tệ và phi tiền tệ, các điều khoản thương thảo và ký kết hợp đồng tiếp cận nguồn gen chia sẻ lợi ích giữa các bên có liên quan…

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học Nguyễn Thành Vĩnh: Ngày 12/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2017 về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (Nghị định 59), có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Nghị định 59 gồm 5 chương, 28 điều và phụ lục có 9 mẫu văn bản có liên quan, thay thế các quy định của điều 18, 19 và 20 của Nghị định 65.

Nghị định 59 quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Nagoya, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn gen, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. Nghị định 59 quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, gia hạn và thu hồi giấy phép tiếp cận nguồn gen đối với nguồn gen của giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và giống cây lâm nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép tiếp cận nguồn gen đối với các trường hợp còn lại.

Về trình tự đăng ký và đề nghị cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen, Nghị định 59 quy định cụ thể gồm các bước đăng ký tiếp cận nguồn gen với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thỏa thuận và ký hợp đồng với bên cung cấp, đề nghị UBND cấp xã xác nhận hợp đồng, nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cung cấp thông tin và tài liệu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

Nghị định 59 quy định đối tượng phải đăng ký và đề nghị cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại; tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu tiếp cận nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam vì bất cứ mục đích nào; tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu đưa nguồn gen được tiếp cận ra nước ngoài, trừ trường hợp đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong nước về tài nguyên di truyền và phù hợp với nội dung quy định tại Nghị định thư Nagoya, Nghị định 59 cũng quy định trình tự rút gọn cấp phép đưa nguồn gen ra nước ngoài để học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại đối với học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam.

Phó Cục trưởng Nguyễn Thành Vĩnh nhấn mạnh, điểm mới của Nghị định là có cơ chế báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp phép kết quả thực hiện tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích định kỳ 2 năm một lần, báo cáo đột xuất khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Chậm nhất 3 tháng, kể từ ngày kết thúc chương trình học tập, nghiên cứu, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam có trách nhiệm báo cáo về kết quả học tập, nghiên cứu, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài./.
Minh Nguyệt

Có thể bạn quan tâm