Phú Yên khai thác thế mạnh để thu hút đầu tư

Phú Yên khai thác thế mạnh để thu hút đầu tư
Phú Yên - vùng đất tiềm năng của du lịch. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Phú Yên - vùng đất tiềm năng của du lịch. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Khẳng định vị thế Với địa hình đa dạng, Phú Yên có điều kiện phát triển các sản phẩm nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trang trại tổng hợp,... Gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Phú Yên đã hình thành các vùng chuyên canh gồm 25.000 ha mía, 24.000 ha sắn, gần 4500 ha cao su... Đi kèm với đó là xây dựng các nhà máy chế biến, bước đầu hình thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị nông sản. Không chỉ vậy, Phú Yên còn được biết đến là “thủ phủ” nghề câu cá ngừ đại dương và nuôi tôm hùm của cả nước. Với sản lượng cá ngừ đại dương mỗi năm bình quân khai thác khoảng 6.000 tấn, Phú Yên xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khối EU, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản. Ngoài ra, Phú Yên còn được biết tới với vùng nuôi tôm hùm rộng hơn 33.000 lồng nuôi tập trung ở thị xã Sông Cầu và hàng năm cung cấp cho thị trường trên dưới 700 tấn tôm hùm thương phẩm. Dự kiến, đến năm 2020, tỉnh Phú Yên phấn đấu sản lượng tôm hùm đạt 950 tấn đem lại giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 6.000 lao động. Ngoài nông nghiệp, du lịch cũng là một trong những lĩnh vực Phú Yên có nhiều lợi thế. Năm danh thắng quốc gia được đánh giá đẹp vào hạng nhất Việt Nam gồm: Gành Đá Đĩa, Đầm Ô Loan, Bãi Môn – Mũi Điện,Vịnh Xuân Đài và Hòn Yến cùng những đầm,vịnh nằm dọc ven biển là tiềm năng lớn để Phú Yên phát triển du lịch sinh thái biển, du lịch nghỉ dưỡng. Cùng với những thắng cảnh độc đáo, lịch sử hơn 400 năm hình thành và phát triển làm nên một Phú Yên có bề dày giá trị văn hóa, lịch sử với lễ hội truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt hơn, Phú Yên còn được biết đến là xứ sở của “hoa vàng, cỏ xanh”. Chính vẻ đẹp hoang sơ cộng với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thân thiện đã thu hút du khách đến với Phú Yên ngày một đông. Năm 2017, lượng khách đã vượt con số 1,4 triệu lượt người,trong đó khách lưu trú hơn một triệu lượt, tăng 11,7% so với năm 2016. Du lịch đang được địa phương xác định là mũi nhọn để phát triển kinh tế. 
Phú Yên Là nơi khởi đầu nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN
 Phú Yên Là nơi khởi đầu nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam. 
Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN
Khai thác tiềm năng Nhận thấy lợi thế lớn của địa phương, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến với Phú Yên để thực hiện các dự án và thu được sự thành công. Đơn cử như Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (đơn vị có 100% vốn nước ngoài từ Ấn Độ) xây dựng nhà máy đường tại huyện miền núi Sơn Hòa công suất 2500 tấn mía/ngày vào năm 2001 với vốn đầu tư ban đầu 42 triệu USD. Đến nay, cùng với việc nâng công suất nhà máy đường Sơn Hòa, KCP còn xây dựng thêm một nhà máy đường khác đặt tại huyện miền núi Đồng Xuân nên tổng công suất ép đã nâng lên 10.000 tấn mía/ngày, tạo thêm thu nhập cho hơn 9.400 hộ dân. Sản phẩm của KCP là đường tinh luyện (RE) chất lượng cao với sản lượng hàng năm khoảng 100.000 tấn. Khách hàng của KCP phần lớn là các hãng nước giải khát, sữa, bánh kẹo... có tên tuổi trong cả nước tiêu thụ. Để khai thác hiệu quả từ vùng nguyên liệu mía diện tích khoảng 14.000 ha, KCP đã xây dựng nhà máy điện sinh khối giai đoạn 1 và hòa lưới điện quốc gia vào năm 2017 với sản lượng điện hàng năm 70 triệu KWh. Ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công Nghiệp KCP Việt Nam chia sẻ, KCP đã được tạo thuận lợi rất nhiều khi đầu tư vào Phú Yên. Từ một nhà máy chế biến mía đường ban đầu, hiện công ty đã mở rộng được 2 nhà máy, nhà máy điện sinh khối đã hoàn thành giai đoạn 1 công suất 30 MW; đang triển khai giai đoạn 2 để nâng công suất lên 60 MW. Ở lĩnh vực dịch vụ du lịch, dự án Khu du lịch Hòn Ngọc Bãi Tràm (100% vốn nước ngoài) cũng là một điểm sáng về sự thành công của doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh Phú Yên. Dự án được Công ty TNHH Bãi Tràm Estates triển khai trên xây dựng trên 92 ha đất và hơn 24 ha mặt nước biển thuộc xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD. Giai đoạn 1, dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2008 với 7 biệt thự có hồ bơi riêng, nhà hàng, quầy bar, bếp... Giai đoạn 2, từ nay đến năm 2019, dự án tiếp tục triển khai các hạng mục: khách sạn quy mô 80 phòng, 45 căn biệt thự và một số hạng mục phụ trợ khác. Theo ông Christian William Wijnberg, Đại diện Dự án Khu du lịch Hòn Ngọc Bãi Tràm, khi xúc tiến đầu tư tại Phú Yên, chúng tôi không chỉ  được lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện mà cả chính quyền thị xã Sông Cầu và xã Xuân Cảnh cũng hỗ trợ rất nhiều. Do vậy, chúng tôi hy vọng sẽ tạo nên một khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt chuẩn 5 sao quốc tế. Ông Lê Tấn Hổ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên cho biết, chỉ riêng trong giai đoạn 2011-2017 trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 284 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 4,7 triệu USD và hơn 28.000 tỷ đồng. Với tiềm năng sẵn có và những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh Phú Yên mong muốn các nhà đầu tư tiếp tục phối hợp, hợp tác với địa phương. Ông Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên mong muốn, sẽ có nhiều nhà đầu tư sớm đến Phú Yên để tìm hiểu, đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời khẳng định, tỉnh Phú Yên cam kết sẽ đồng hành, tạo điều kiện thông thoáng nhất cùng nhà đầu tư triển khai thành công các ý tưởng sản xuất, kinh doanh. 
Ngọn hải đăng Đại Lãnh là điểm đến thú vị được du khách lựa chọn vì ngay gần bãi tắm Bãi Môn. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Ngọn hải đăng Đại Lãnh là điểm đến thú vị được du khách lựa chọn vì ngay gần bãi tắm Bãi Môn. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Tìm kiếm cơ hội Để khai thác lợi thế và tiềm năng của địa phương, lãnh đạo tỉnh Phú Yên xác định huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước là rất quan trọng. Do đó sau một thời gian chuẩn bị, ngày 19/1 sắp tới, tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 với chủ đề “Phú Yên - hợp tác đầu tư và phát triển” thu hút khoảng 260 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm mục đích tuyên truyền, giới thiệu lợi thế, tiềm năng tới các nhà đầu tư những thông tin và danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, khai khoáng, năng lượng tái tạo, du lịch…. cùng những cơ chế, chính sách ưu đãi của địa phương. Qua đó, các Tập đoàn, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước có thể đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Phú Yên để góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Theo ông Lê Tấn Hổ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh đã tương đối hoàn chỉnh, trong đó có 5 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 498 ha; đang xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rộng 1.080 ha; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng Khu Kinh tế Nam Phú Yên, giáp với Đặc khu Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa). Ông Lê Tấn Hổ dự kiến tỉnh Phú Yên sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với vốn đăng ký đầu tư gần 12.400 tỷ đồng; ký biên bản ghi nhớ đầu tư 5 dự án  được các nhà đầu tư đang tìm hiểu và dự kiến đầu tư vào Phú Yên với số vốn 2,1 tỷ USD và gần 6.500 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ trao các thông báo tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu đầu tư cho 11 dự án khác.
Thế Lập – Xuân Triệu

Có thể bạn quan tâm