Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với thị trường
Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao”". Ảnh: vietnambiz.vn
Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao”". Ảnh: vietnambiz.vn

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đạt gần 32.340 tỷ đồng với 4.125 khách hàng, trong đó có 3.957 khách hàng cá nhân và 168 doanh nghiệp. 

Cụ thể, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt gần 27.740 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng, không phát sinh nợ xấu. Một số dự án lớn ứng dụng công nghệ cao bước đầu phát huy hiệu quả thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, trồng hoa, rau xuất khẩu 

Đặc biệt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cam kết gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn gặp khó khăn do đây là hướng phát triển nông nghiệp mới, chưa có tiền lệ nên tiềm ẩn rủi ro khi triển khai dự án; thiếu thị trường tiêu thụ ổn định. 

Ngoài ra, hiện vẫn chưa đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch cũng như chưa có hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp như: nhà kính, nhà lưới... 

Lý giải vấn đề này, TS  Nguyễn Đức Hưởng, Cố vấn cao cấp Ngân hàng Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao thường gắn liền với giá thành sản xuất cao, nhất là trong giai đoạn đầu cộng với tâm lý của người tiêu dùng chưa đủ niềm tin thế nào là sản phẩm sạch. Trong khi đó, đầu tư vào nông nghiệp dễ rủi ro vì phục thuộc vào nhiều yếu tố. 

Do vậy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của bà con nông dân. Các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ nhằm giúp sản xuất ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, làm cơ sở xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường. 

Các doanh nghiệp cũng cần phát triển theo hướng gắn với hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường. 

Từ thực tế doanh nghiệp, ông Lê Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Kết nối xanh cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao là một phương thức sản xuất chứ không phải mô hình kinh tế, nó phải gắn liền với chuỗi giá trị mới gọi là nông nghiệp công nghệ cao. Từ lý do đó, đầu tư tới 3.000 - 4.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao mà không có thị trường sẽ trở thành gánh nặng cho các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Phương thức của công ty khi quyết định đầu tư là sẽ tính toán chi phí sản xuất mỗi sản phẩm trên mỗi ha, sau đó sẽ cùng các nhà máy phân bón, vật tư ứng vốn cho nông dân sản xuất trên chính đồng ruộng của mình. Theo mô hình này, chi phí sản xuất sẽ giảm xuống rất nhiều. Về phía người nông dân khi tham gia vào chuỗi liên kết giá trị phải chịu sự ràng buộc, cam kết về mặt chất lượng sản phẩm. Lúc đó họ có vai trò là nhà cung ứng chứ không còn là hộ sản xuất nhỏ lẻ như trước đây, đặc biệt được ưu đãi nhiều điều kiện, được đào tạo, trả lương trên chính thửa ruộng của mình. 

Để chuỗi giá trị thực sự thành công, theo ông cần phải có giải pháp để thông tin thị trường được cập nhật thường xuyên và minh bạch, giúp người nông dân và cả nền kinh tế không bị lạc hậu thông tin. 

Ông Thành kiến nghị, Nhà nước cần quan tâm tâm xây dựng cơ chế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư để họ có thể thực hiện được mô hình chuỗi cung ứng này. Khi đó, Nhà nước cũng sẽ được lợi khi thu được thuế và giải quyết được việc làm, giảm gánh nặng cho xã hội. 

Chia sẻ kinh nghiệp trong xây dựng chuỗi liên kết, bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho biết, nhờ có nguồn vốn tín dụng của ngân hàng giai đoạn  2003 - 2005, khi đại dịch cúm gia cầm lần đầu bùng phát, Ba Huân là doanh nghiệp đầu tiên nhập hệ thống dây chuyền xử lý trứng gia cầm của Tập đoàn Moba (Hà Lan) - Tập đoàn đứng đầu thế giới trong việc xử lý trứng gia cầm. Đây cũng là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của Công ty trong công nghiệp hóa các sản phẩm nông nghiệp. 

Tiếp đến, Công ty đầu tư thiết bị cho quy trình chăn nuôi công nghệ cao, nhà máy chế biến thực phẩm, tạo chuỗi an toàn từ trang trại đến bàn ăn phục vụ cộng đồng bao gồm: trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao, Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, Nhà máy chế biến thực phẩm. Hiện nay, Công ty đã mở rộng sản xuất ra miền Bắc với Nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội). 

Song song với xây dựng các trang trại, Nhà máy chế biến với thiết bị hiện đại, Công ty TNHH Ba Huân đã và đang liên kết với người chăn nuôi tạo thành chuỗi liên kết khép kín. 

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Huân, thực tế có nhiều doanh nghiệp muốn sản xuất sạch, nhưng hoặc dừng bước hoặc nhắm mắt làm ngơ bởi không chịu được nguồn vốn quá lớn. Vì vậy, bà đề nghị thời gian tới cần phải có chính sách hỗ trợ thí điểm về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp sạch. Đó không chỉ thể hiện mối quan tâm với ngành nông nghiệp mà còn là xu hướng để có chất lượng cuộc sống tốt đẹp nhất cho cộng đồng. 

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng nông sản nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng nhiều chính sách về tín dụng, hạ tầng thương mại, đất đai, thuế, sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thương mại nông thôn… 

Ông Tuấn cho biết thêm, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tích cực chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống phân phối tăng cường thu mua, tiêu thụ nông sản nói chung, nông sản chất lượng cao nói riêng ở cả khâu lưu thông, phân phối, phát triển hạ tầng thương mại…, góp phần hỗ trợ tối đa việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. 

Theo TS Võ Trí Thành, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có lực kéo cơ bản là tín hiệu thị trường, nhưng nó cũng chứa những rủi ro, bất định, nhất là khi mới ở giai đoạn “thử nghiệm”. 

Do đó, TS Võ Trí Thành đề xuất sự hỗ trợ tín dụng (như qua lãi suất) phải được xem là sự chia sẻ rủi ro trong trường hợp không thành công và ngược lại nếu đầu tư sản xuất kinh doanh thành công, doanh nghiệp cần bồi hoàn (một phần hoặc đầy đủ) sự hỗ trợ đó. Việc hỗ trợ lãi suất phải từ tiền ngân sách mà trước mắt có thể sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ của NHNN để hỗ trợ. Song vị chuyên gia này cũng lưu ý, việc này cần phải có chừng mực vì hiện chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tín dụng nói riêng đang chịu nhiều sức ép và “gánh nặng” cho mục tiêu ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. 

Bên cạnh đó, theo TS Võ Trí Thành, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao rất cần hoàn thiện cơ chế bảo hiểm sản xuất nông nghiệp. Mặc dù đã có những quy định về vấn đề này, tuy nhiên bảo hiểm sản xuất nông nghiệp lâu nay chưa được áp dụng rộng rãi, có hiệu quả. Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để chia sẻ rủi ro cho doanh nghiệp và người nông dân. 
Thu Anh

Có thể bạn quan tâm