Phát huy giá trị các khu bảo tồn thiên nhiên

Phát huy giá trị các khu bảo tồn thiên nhiên
Tuy nhiên, công tác quản lý các KBT còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu nguồn nhân lực, nguồn kinh phí; hệ thống tổ chức, quản lý các KBT chưa được thực hiện đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương...
Người dân tổ chức tuần tra bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn). Ảnh : nhandan.com.vn
Người dân tổ chức tuần tra bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn). Ảnh : nhandan.com.vn
Giữ rừng cho thế hệ mai sau Hơn ba năm tham gia đội tuần tra bảo vệ rừng của thôn Vèn (xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn), anh Nguyễn Duy Thuấn (người dân tộc Tày) đã thuộc từng dãy núi, lối mòn. Nói về công việc của mình, anh Thuấn chia sẻ: “Khi tham gia tổ tuần tra bảo vệ rừng của thôn, điều mong muốn lớn nhất của tôi là cùng bà con bảo vệ những cánh rừng nơi mình đang sinh sống một cách tốt hơn. Ðó không chỉ là giữ những cánh rừng cho riêng gia đình chúng tôi hôm nay, mà còn là cho các thế hệ mai sau một nguồn tài nguyên rừng lâu dài và có giá trị”. Ðội tuần tra bảo vệ rừng của thôn hiện có 10 thành viên; nhiệm vụ chính là thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra để phát hiện, kịp thời ngăn chặn các hành vi khai thác lâm sản, săn bắt động vật, phát rừng làm rẫy và lấn chiếm rừng trái phép... Ðội tiến hành tuần tra hai lần trong một tháng trên toàn bộ diện tích rừng nhận khoán. Tất cả các thành viên của đội đều phải có mặt để tham gia tuần tra, hỗ trợ cán bộ kiểm lâm đóng trên địa bàn khi có yêu cầu, bất kể là “nửa đêm, hay gà gáy”. Giám đốc, Hạt trưởng Kiểm lâm KBT thiên nhiên Kim Hỷ Nguyễn Tiến Dũng cho biết: KBT có diện tích hơn 15 nghìn ha, nằm trên địa bàn bảy xã thuộc các huyện Na Rì và Bạch Thông. Do diện tích rộng, địa hình hiểm trở, nguồn nhân lực thiếu, cho nên trong nhiều năm qua công tác bảo vệ rừng, bảo tồn chủ yếu dựa vào cộng đồng. Vì nếu chỉ có mấy cán bộ kiểm lâm của KBT thiên nhiên Kim Hỷ như hiện nay, thì làm sao mà giữ được rừng. Trước đây, người dân khi gặp cán bộ kiểm lâm thường nhìn với ánh mắt “tức tối”, vì cán bộ kiểm lâm thường bắt bớ họ khi vi phạm. Bây giờ thì khác, kể từ khi triển khai thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng; triển khai gói hỗ trợ phát triển cộng đồng cho người dân thuộc vùng đệm trong, vùng đệm ngoài KBT, bà con trở nên gần gũi và thân tình với cán bộ kiểm lâm hơn rất nhiều. Hễ thấy người lạ đến có biểu hiện mang cưa máy, hay dụng cụ gì khác, người dân ngay lập tức điện báo cho lực lượng kiểm lâm để theo dõi, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm nếu có, kể cả khu vực người dân phát hiện người lạ không thuộc địa bàn họ nhận khoán bảo vệ rừng... Không chỉ giúp cán bộ kiểm lâm phát hiện các trường hợp khả nghi, người dân trên địa bàn còn tích cực hưởng ứng việc kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận và quản lý tập trung cưa xăng tại các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Việc quản lý tốt phương tiện làm việc này cũng góp phần giúp việc bảo vệ rừng tốt hơn bởi nếu như trước đây, để đốn hạ một cây gỗ nghiến có tuổi đời vài trăm năm người dân phải đốt gốc hàng tuần thì dùng cưa xăng như hiện nay, chỉ mất từ 30 đến 40 phút. Tính đến nay, đã có 428 trong tổng số 467 chiếc cưa xăng trên địa bàn được cấp giấy chứng nhận sử dụng; quản lý tập trung được 187 trong tổng số 428 chiếc cưa xăng tại các trạm kiểm lâm, chính quyền các địa phương. Khi nào người dân cần dùng sẽ đến đó lấy về sử dụng, cho nên rất dễ cho việc quản lý và bảo vệ rừng. Ý thức người dân từ đó cũng được nâng lên, từ đầu năm đến nay mới phát hiện, bắt giữ 16 trường hợp vi phạm liên quan đến lâm sản. Các vi phạm chủ yếu là vận chuyển thớt nghiến, gỗ thanh được lưu giữ trong các gia đình nhiều năm qua. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, KBT thiên nhiên Kim Hỷ đã tổ chức cho 33 cộng đồng thôn nằm trong, hay giáp ranh với rừng đặc dụng tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, với tổng diện tích là 9.250 ha, với mức khoán 150 nghìn đồng/ha/năm và đã thành lập được 83 tổ tuần tra bảo vệ rừng, với 560 thành viên. Ban quản lý KBT thiên nhiên Kim Hỷ đã triển khai gói hỗ trợ phát triển cộng đồng 40 triệu đồng/thôn/năm tại tất cả 42 thôn từ năm 2015 đến nay, hiện đã thực hiện xong tại 17 thôn. Với nguồn hỗ trợ từ chương trình này, người dân trên địa bàn đã mua vật liệu làm đường bê-tông, kè đường, xây bể chứa nước sạch... phục vụ cuộc sống hằng ngày. Thông qua các chương trình hỗ trợ, người dân đã thay đổi nhận thức, thái độ hành vi trong cách tiếp cận với tài nguyên rừng. Họ tích cực tham gia công tác bảo vệ tài nguyên, bảo tồn ÐDSH trong khu vực nhiều hơn. Ðáng mừng, KBT thiên nhiên Kim Hỷ không chỉ làm tốt việc bảo tồn những động vật, thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam hiện có tại KBT, mà thời gian qua các nhà khoa học đã phát hiện được một số động vật, thực vật quý, hiếm còn tồn tại trong KBT như: loài cây Du sam đá vôi (Keteleeria davidiana) chỉ còn tồi tại ở KBT thiên nhiên Kim Hỷ; hai loại ếch nhái đặc hữu của Việt Nam là Ếch Bắc Bộ và Ếch cây đốm xanh; phát hiện gần 40 loài dơi các loại, với số lượng hơn 35 nghìn cá thể trong một hang dơi và được xem là một trong những hang có số loài dơi cư trú cao nhất đã từng được ghi nhận ở khu vực Ðông - Nam Á từ trước tới nay...Sớm tháo gỡ những khó khăn, bất cập Kết quả rà soát KBT cho thấy: Hiện Việt Nam có 186 KBT, trong đó có 164 KBT thành lập trước và 22 KBT được thành lập sau khi có Luật ÐDSH (năm 2008). Tuy nhiên, căn cứ vào quy định tiêu chí phân cấp, phân hạng KBT của Luật ÐDSH, hiện nay Việt Nam có 166 KBT, trong đó có 31 vườn quốc gia (VQG); 64 khu dự trữ thiên nhiên; 16 KBT loài - sinh cảnh và 55 khu bảo vệ cảnh quan. Với hệ thống các KBT đã được thiết lập, nước ta đã được quốc tế công nhận 20 khu có các danh hiệu quốc tế về giá trị ÐDSH, bao gồm năm khu Ramsar; tám khu dự trữ sinh quyển thế giới; năm khu di sản ASEAN và hai khu di sản thiên nhiên thế giới. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành công trong việc quy hoạch và thiết lập hệ thống các KBT nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn ÐDSH trên cả nước; tuy nhiên công tác quản lý KBT hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cho đến nay, nước ta vẫn chưa có quy hoạch chung thống nhất toàn bộ các hệ thống KBT phù hợp tiêu chí phân hạng, phân cấp về KBT thiên nhiên theo quy định của Luật ÐDSH. Việc quản lý, vận hành các KBT chưa, hoặc ít tiếp cận phương pháp, kỹ thuật bảo tồn ÐDSH (các KBT mới dừng ở chỗ thành lập, khoanh vùng để giữ, bảo vệ). Trong khi đó, các hoạt động về xây dựng cơ sở dữ liệu, quan trắc, phục hồi các hệ sinh thái... còn hạn chế); đồng thời chưa có những đánh giá thường xuyên về “giá trị KBT”, cho nên chưa có được những đầu tư tương xứng để duy trì diễn thế sinh thái tại các KBT. Nhận thức của không ít địa phương và người dân về tầm quan trọng của các KBT còn có phần chưa thật sự đầy đủ do thiếu thông tin về giá trị của ÐDSH và dịch vụ hệ sinh thái của KBT; người dân bản địa và cộng đồng sinh sống chung quanh KBT chưa thật sự được hưởng lợi từ những giá trị của KBT mang lại... Chia sẻ về vấn đề này, quyền Giám đốc, Hạt trưởng Kiểm lâm VQG Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) Bùi Văn Quang cho chúng tôi biết: Do đặc thù trong vùng lõi VQG Ba Bể có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn phụ thuộc lớn vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, cho nên VQG Ba Bể luôn tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại đến hệ sinh thái rừng đặc dụng, nhất là do khai thác lâm sản khi một bộ phận người dân, bất chấp các quy định của pháp luật để khai thác trái phép lâm sản, động vật hoang dã. Năng lực quản lý và nguồn lực đầu tư cho KBT hạn chế do số lượng cán bộ ít, trình độ cán bộ còn thấp, phương tiện để tiến hành công tác quản lý rất thiếu thốn, kinh phí được cấp cho KBT thường thiếu và muộn... Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, cũng như phát huy những giá trị các KBT mang lại, Cục trưởng Bảo tồn ÐDSH (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) TS Phạm Anh Cường kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định về bảo tồn ÐDSH trong các luật hiện hành như: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (năm 2004); Luật Thủy sản (năm 2003) và Luật ÐDSH (năm 2008) để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về ÐDSH. Trên cơ sở đó, thống nhất về quản lý nhà nước đối với ÐDSH, trong đó có hệ thống các KBT; tiếp theo là phải triển khai đồng bộ các hoạt động, bao gồm: đề cao giá trị và củng cố hiệu quả quản lý của hệ thống KBT hiện có, khai thác có hiệu quả và bền vững hệ thống này. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng, bảo đảm chia sẻ lợi ích công bằng từ bảo tồn ÐDSH để góp phần cải thiện sinh kế và xóa đói, giảm nghèo đối với người dân địa phương; đẩy mạnh nghiên cứu lượng giá đúng về giá trị kinh tế - môi trường của các hệ sinh thái và ÐDSH, bao gồm cả kho tàng tri thức bản địa của các dân tộc mọi miền đất nước, làm cơ sở cho các chính sách phù hợp trong bảo tồn và phát triển bền vững ÐDSH; có chế tài bắt buộc các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các trang trại kinh doanh có liên quan đến thương mại sinh học chi trả dịch vụ ÐDSH và hệ sinh thái... Bên cạnh đó, cần quan tâm, có chế độ chính sách tương xứng đối với cán bộ đang công tác tại các khu rừng đặc dụng, những người đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn nguồn tài nguyên quý của quốc gia. Cần tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao đời sống cho người dân hiện đang sinh sống trong vùng đệm, ngoài vùng đệm tại các KBT bằng việc hỗ trợ nguồn vốn, cây giống, vật nuôi, phương tiện sản xuất... Có như vậy, mới phát huy được hết tiềm năng của các KBT ở nước ta hiện nay.
Theo : nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm