Ninh Thuận thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững

Ninh Thuận thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững
Tỉnh Ninh Thuận thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Tỉnh Ninh Thuận thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn. Trong đó, tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu về điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tích cực nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao... Năm 2018, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục rà soát, phân loại hộ nghèo theo từng nhóm đối tượng, từ đó đưa ra giải pháp, cách làm phù hợp để giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục nhân rộng, phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả, gắn công tác giảm nghèo bền vững với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%/năm và giảm 4% huyện nghèo, xã khó khăn và đặc biệt khó khăn theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn đến năm 2020. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu giảm nghèo bền vững, các tiêu chí tiếp cận nghèo theo chuẩn đa chiều. Các địa phương vận động người nghèo chủ động vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm hạn chế số hộ tái nghèo và khuyến khích thoát nghèo bền vững. Năm 2017, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Ninh Thuận đã dành hơn 47,5 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, các công trình thủy lợi, giáo dục, y tế thuộc các huyện nghèo, xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. 
Tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn gần 7 tỷ đồng để phát triển nhiều mô hình: sản xuất lúa giống, trồng măng tây xanh, nuôi heo đen... Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn gần 7 tỷ đồng để phát triển nhiều mô hình: sản xuất lúa giống, trồng măng tây xanh, nuôi heo đen... Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Để giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tỉnh Ninh Thuận đã tạo điều kiện cho 3.639 hộ nghèo được vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay đạt 90,236 tỷ đồng. Tỉnh dành 5 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, có việc làm, góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo của địa phương. Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, vệ sinh, dịch vụ thông tin. Toàn tỉnh đã cấp 190.064 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số với kinh phí 128,8 tỷ đồng, giúp các đối tượng ưu tiên được thụ hưởng chính sách miễn, giảm viện phí trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tỉnh xây dựng, sửa chữa 375  nhà với kinh phí 14 tỷ đồng, hỗ trợ các hộ nghèo, đối tượng chính sách sớm ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất. Ban vận động Quỹ vì người nghèo của tỉnh huy động được 18,9 tỷ đồng, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi..., giúp hàng trăm hộ dân ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chăn nuôi, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, công tác xóa đói, giảm nghèo ở Ninh Thuận từng bước có những chuyển biến tích cực. Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh là 10,36%, giảm 2,18% so với đầu năm; hộ cận nghèo giảm 0,3 % so với cùng kỳ năm 2016…

Nguyễn Thành

Có thể bạn quan tâm