Nghệ An khuyến khích phát triển cây dược liệu

Nghệ An khuyến khích phát triển cây dược liệu
Thu hoạch cây dược liệu ở huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Thu hoạch cây dược liệu ở huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Riêng tại khu vực miền núi của tỉnh còn có khả năng khai thác, nuôi trồng nhiều loại dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao hơn các dược liệu khác, như Sâm Puxailaleng (tương tự Sâm Ngọc Linh), Sâm Vũ Điệp, Sâm Tam thất, Đẳng sâm, Lan Kim Tuyến, Bảy lá một hoa, Hà thủ ô đỏ, Ba kích tím, Sấm Lim xanh, Linh chi đỏ, Nấm Ngọc cẩu,… Thấy rõ giá trị kinh tế và lợi ích từ việc phát triển dược liệu, hiện nay tại Nghệ An đã có một số cá nhân, tổ chức xây dựng được các mô hình trồng, chế biến dược liệu. Tại xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), Đoàn kinh tế - quốc phòng 4 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) đang thực hiện mô hình phục hồi, nhân giống cây dược liệu gồm Đẳng sâm, Đương quy, Atisô và sâm Puxailaileng. Tại Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), Công ty cổ phần dược liệu Mường Lống (thuộc Tập đoàn TH) đang triển khai dự án trồng cây dược liệu.Tại huyện Quế Phong, Tập đoàn Nafoods đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Quy hoạch vùng chanh leo nguyên liệu trên diện tích khoảng 900 ha. Tại huyện Con Cuông, Công ty Dịch vụ Khoa học, Công nghệ nông nghiệp Thành An đã đầu tư thiết bị, công nghệ để chế biến trà dược liệu túi lọc (cà gai leo, dây thìa canh). Ông Dương Đình Chỉnh, quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, tuy một số mô hình trồng, chế biến dược liệu đang thành công, nhưng việc phát triển dược liệu tại địa phương đang bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn. Nổi lên là chính sách phát triển dược liệu chưa được triển khai đồng bộ, chưa có cơ chế đảm bảo đầu ra cho dược liệu và quyền lợi của các bên tham gia; chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh về dược liệu của tỉnh; đầu tư chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng phát triển của cây dược liệu. Mặt khác, đất đai và hình thức tổ chức sản xuất cây dược liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, các hình thức hợp tác (hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hiệp hội, công ty..) hầu như còn ít và vẫn chưa phát huy hết vai trò và hiệu quả, do vậy việc phát triển sản xuất cây dược liệu gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc. Hiện nay để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Nghệ An đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp... liên doanh đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản xuất, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trên địa bàn. Gắn với đó là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào nuôi, trồng, chế biến, sản xuất, chiết xuất, tinh chế hoạt chất từ dược liệu, thuốc đông dược và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu. Tỉnh Nghệ An cũng sẽ nghiên cứu thực hiện chương trình bảo tồn, khai thác và phát triển quỹ gen, đẩy mạnh khai thác phát triển, khuyến khích và hướng dẫn người dân khai thác hợp lý mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng; xây dựng mạng lưới điểm bảo tồn dược liệu ở các địa bàn vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An kết hợp với du lịch nghiên cứu và du lịch sinh thái.
          Nguyễn Văn Nhật

Có thể bạn quan tâm