Hòa Bình sáp nhập, hoàn chỉnh hệ thống trường phổ thông

Hòa Bình sáp nhập, hoàn chỉnh hệ thống trường phổ thông
Trường phổ thông Dân tộc nội trú – Trung học phổ thông tỉnh Hòa Bình . Ảnh: An Thành Đạt.
Trường phổ thông Dân tộc nội trú – Trung học phổ thông tỉnh Hòa Bình .
Ảnh: An Thành Đạt.
Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho biết:  Việc thực hiện đề án nhằm khắc phục tình trạng các trường có quy mô nhỏ lẻ, gây lãng phí về nguồn lực con người, tài chính và cơ sở vật chất, qua đó giảm đầu mối cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế tại một số vị trí việc làm, giảm đầu tư công từ ngân sách nhà nước. Sau 2 năm triển khai đề án, công tác sáp nhập các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến năm học 2017- 2018, toàn tỉnh đã sáp nhập 82 trường tiểu học, 82 trường trung học cơ sở, thành 82 trường tiểu học và trung học cơ sở (hiện nay toàn tỉnh có 132 trường tiểu học, 102 trường tiểu học và trung học cơ sở, 118 trường trung học cơ sở). Sau khi sáp nhập, ngành Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã tinh giản 191 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, khắc phục tình trạng thừa, thiếu đội ngũ giáo viên đối với những môn chuyên biệt như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tiếng Anh, Thể dục, Tin học. Những điểm trường sáp nhập phần lớn đều có quy mô nhỏ, ít học sinh, sau khi sáp nhập giúp các trường tận dụng, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, từ đó khắc phục tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học trong cùng một địa bàn. Nguồn kinh phí chi các hoạt động và đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường được tập trung, giảm kinh phí xây dựng nhà hiệu bộ, phòng chức năng và những công trình phù trợ cho 2 nhà trường như trước đây, công tác tài chính đảm bảo đúng quy định... Ông Nguyễn Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Thủy cho biết: Thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh, huyện Lạc Thủy phải sáp nhập 10 trường, trong đó có 2 trường mầm non, 4 trường tiểu học và 4 trường trung học cơ sở thành 1 trường mầm non, 4 trường tiểu học và trung học cơ sở. Nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đã được huyện quan tâm thực hiện đó là ổn định tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường khi sáp nhập. Phòng đã chỉ đạo Ban giám hiệu phối hợp chặt chẽ với Ban Chấp hành Công đoàn các trường để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tư tưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên sau khi sáp nhập, từ đó bàn bạc, thống nhất các biện pháp tháo gỡ, tạo sự đoàn kết nhất trí cao, môi trường ứng xử thân thiện trong nhà trường. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trước, trong và sau khi sáp nhập nên sau 2 năm sáp nhập, các nhà trường đều hoạt động ổn định, đảm bảo việc huy động trẻ ra lớp, duy trì tốt sĩ số học sinh. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, chất lượng giáo dục được duy trì. Ông Đinh Thanh Tùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Bôi chia sẻ:  Một trong những vấn đề cần lưu ý khi sáp nhập trường học đó là ổn định tổ chức, sắp xếp cán bộ quản lý, nhân viên sau sáp nhập. Do đó, trước khi sáp nhập, trong quá trình xây dựng đề án, Phòng đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền, vận động, làm công tác tư tưởng cũng như chuẩn bị phương án sắp xếp nhân sự sau sáp nhập hợp lý. Vì vậy, sau khi sáp nhập, 11 hiệu trưởng dôi dư đã được điều động đến thay thế hiệu trưởng các trường nghỉ hưu. Một số đồng chí nghỉ chế độ theo Nghị định 108/2014/ NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế hoặc giữ chức vụ hiệu phó trường liên cấp. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập các trường trên cùng địa bàn vẫn còn một số khó khăn, bất cập như: Một số hiệu trưởng trường liên cấp có chuyên môn trung học cơ sở, nay được phân công quản lý cả hai cấp học nên còn bỡ ngỡ trong quản lý, điều hành, dẫn đến công tác xây dựng kế hoạch thực hiện chưa sát thực tế, chất lượng giáo dục chưa có sự chuyển biến rõ nét. Công việc của Tổng phụ trách Đội, nhân viên Thư viện, Y tế, Bảo vệ rất vất vả do trường nhiều cấp học, nhiều điểm trường… Để công tác sáp nhập trường học trong thời gian tới hiệu quả hơn, UBND tỉnh yêu cầu các huyện tính toán kỹ lưỡng, chỉ sáp nhập đối với những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thuận lợi về khoảng cách giữa các điểm trường; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các trường sau sáp nhập...
Nhan Sinh

Có thể bạn quan tâm