Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Được trang bị kiến thức chăn nuôi và kỹ năng về khởi nghiệp, phát triển kinh tế, chị Nguyễn Thị Bé, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành khá tự tin trong phát triển chăn nuôi. Nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng là chọn thực phẩm sạch, an toàn nên chị Bé đã chọn mô hình chăn nuôi trên 100 con lợn nái, lợn thịt và lợn con theo kiểu truyền thống, sử dụng thức ăn tự tạo và sẵn có trong gia đình như: bèo tây, rau lang, cám bắp, cám gạo, mì... để phát triển kinh tế. Vì vậy, mặc dù lợn hơi rớt giá, người chăn nuôi thua lỗ, nhưng lợn nhà chị Bé vẫn được nhiều người chọn mua. Ngoài chăn nuôi lợn, chị Bé còn chăn nuôi hàng trăm con gà, trồng rau, cây ăn quả. Hiện nay, mô hình của chị được Hội Phụ nữ hỗ trợ vay 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Chị Nguyễn Thị Bé cho biết: Từ khi học được các kiến thức về chăn nuôi, thú y, chị đã mạnh dạn vay vốn để mở rộng chăn nuôi, tự chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn lợn, gà nên giảm được nhiều chi phí, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn như lúa, ngô, sắn, rau, mà không sử dụng cám tổng hợp, cám tăng trọng nên dù lợn rớt giá nhưng chị vẫn có lãi.

Tổ hợp tác trồng hoa- ươm mầm của phụ nữ Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) bước đầu phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho chị em .
Tổ hợp tác trồng hoa- ươm mầm của phụ nữ Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) bước đầu phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho chị em .

Ở Quảng Ngãi, được trang bị kiến thức và kỹ năng, mỗi hội viên phụ nữ đã có ý tưởng và cách khởi nghiệp khác nhau. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ bánh tráng ở địa phương lớn, trong khi hầu hết các hộ đều sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống, chị Trần Thị Lệ Kiều, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi, quyết định về quê ở huyện Nghĩa Hành xây dựng cơ sở sản xuất bánh tráng. Với kiến thức, kỹ năng khi tham gia các lớp tập huấn cùng với sự hỗ trợ về vốn vay của Hội, chị Kiều đã phát triển kinh tế, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động nữ ở địa phương, với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng. Chị Kiều chia sẻ: "Trước kia không có việc ổn định nên ai gọi việc gì thì làm việc ấy, công việc vất vả mà thu nhập không ổn định. Từ khi được Hội Phụ nữ thành phố hỗ trợ vốn để sản xuất, cuộc đời tôi như được bước sang trang mới. Công việc đã giúp ích cho bản thân tôi và nhiều chị em có công việc ổn định. Tôi luôn tâm niệm, với nghề làm bánh tráng phải cố gắng để sản phẩm ngày càng ngon, sạch, được thị trường ưa chuộng và có thương hiệu riêng”.

Mô hình trồng giá trên bao bố của Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh.- Ảnh: baoquangngai.vn
Mô hình trồng giá trên bao bố của Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh.- Ảnh: baoquangngai.vn

Thực hiện Đề án số 939 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã và đang lồng ghép các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vào chương trình của Hội như: tổ chức tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, gặp mặt giữa doanh nghiệp với các hộ kinh doanh để trang bị kiến thức, kinh nghiệm, bồi đắp ý tưởng kinh doanh, định hướng nghề nghiệp, thị trường tiêu thụ cho phụ nữ có khả năng, điều kiện khởi nghiệp, đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ, đầu tư cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Bà Phạm Thị Hồng Hải, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi cho biết: các lớp tập huấn không chỉ nhằm mục đích bổ trợ kiến thức mà còn giúp phụ nữ có ý tưởng và kế hoạch khởi nghiệp bằng các nguồn vốn do Hội hỗ trợ. Tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 và xây dựng thêm nhiều hoạt động, mô hình mới để tổ chức giúp đỡ phụ nữ khởi nghiệp; phấn đấu đến năm 2025 có 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp, 70% hội viên phụ nữ được nâng cao nhận thức, hỗ trợ về khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Trung bình mỗi năm hỗ trợ ít nhất 40 phụ nữ khởi nghiệp và phối hợp thành lập ít nhất 1 Hợp tác xã do phụ nữ quản lý”.
 
 Theo nguồn baoquangngai.vn
baoquangngai.vn

Có thể bạn quan tâm