Hà Nội hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bằng các mô hình, phong trào thiết thực

Hà Nội hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bằng các mô hình, phong trào thiết thực

Giúp chị em vươn lên thoát nghèo 

Tại Hà Nội, Sóc Sơn là một huyện thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đói cao (3,73%). Trong nhiều năm qua, phụ nữ huyện Sóc Sơn luôn nỗ lực vươn lên khắc phục những khó khăn, khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của giới nữ trong mọi lĩnh vực của hoạt động xã hội. 

Hội LHPN Hà Nội cùng các cấp hội đã tham quan mô hình HTX RAT xã Tiền Yên, Hoài Đức. Ảnh: kinhtedothi.vn.
Hội LHPN Hà Nội cùng các cấp hội đã tham quan mô hình HTX RAT xã Tiền Yên, Hoài Đức. Ảnh: kinhtedothi.vn.


Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn cho biết, với các phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”, đẩy mạnh thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cùng các mô hình như “Bát gạo nghĩa tình - trao nhận yêu thương”, “Lá lành đùm lá rách”, mô hình tiết kiệm nuôi lợn nhựa..., nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống sung túc ấm no. Trong năm 2015 và 2016, Hội Phụ nữ huyện Sóc Sơn đã quyên tặng được hàng nghìn đồ dùng và tiền mặt cho 2.117 phụ nữ và trẻ em nghèo, trị giá gần 1,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, Hội Phụ nữ huyện đã chủ động phối hợp, giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 2011 - 2016, Hội đã khai thác và tín chấp hơn 700 tỷ đồng cho hơn 80.000 lượt phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế; giới thiệu việc làm cho gần 6.000 lao động nữ, đào tạo nghề cho hơn 7.000 đối tượng, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện từ 15,4% năm 2010 giảm còn 2,1% vào năm 2015. Huyện Sóc Sơn là một điển hình trong thực hiện công tác hỗ trợ phụ nữ nghèo trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ gia đình nghèo do phụ nữ làm chủ thông qua các biện pháp tạo việc làm, cho vay vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, kiến thức nghề nghiệp, kinh nghiệm làm ăn, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhận đỡ đầu con em, trợ cấp khó khăn... Đặc biệt, các cấp Hội đã tăng cường khai thác các nguồn vốn và nâng cao chất lượng các mô hình nhóm phụ nữ vay vốn tiết kiệm.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết, hàng năm, các cấp Hội đã nhận ủy thác, quản lý và điều hành trên 3.200 tỷ đồng từ các ngân hàng và từ nguồn Quỹ vì phụ nữ nghèo, Quỹ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho gần 24.000 lượt phụ nữ vay. 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ các điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo, nâng cao mức sống, đồng thời vận động phụ nữ dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nhiều loại hình dịch vụ mới.

Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội

Phụ nữ Thủ đô trong 5 năm qua đã có những đóng góp rất hiệu quả vào sự phát triển cả về kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tiêu biểu như phụ nữ trong các khu công nghiệp chế xuất và trong các ngành công nghiệp góp phần tạo ra 40% giá trị sản xuất công nghiệp, 45% kim ngạch xuất khẩu. Hội nữ doanh nhân Thủ đô đã chủ động hội nhập, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đưa hàng về nông thôn.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trên 90% phụ nữ vay vốn làm ăn có hiệu quả, trong đó nhiều nữ chủ hộ đã phát triển kinh tế theo hướng trang trại, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả... vươn lên làm giàu.

Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ nữ doanh nhân cũng được tăng cường thông qua mạng lưới câu lạc bộ nữ doanh nhân tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trung tâm Dịch vụ việc làm 20/10 (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội) đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động, tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động Hà Nội, tổ chức dạy nghề lưu động, mở rộng liên kết với các địa phương trong việc giới thiệu việc lao động phục vụ gia đình và chuyển giao công nghệ.

Chia sẻ về kinh nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Hà Nội cho biết, cách đây khoảng 10 năm, câu chuyện làm kinh tế của chị em phụ nữ Thủ đô còn gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có tư duy tiến bộ, phù hợp với sự thay đổi của xã hội. Từ mục đích ban đầu là kiếm tiền nuôi gia đình, họ đã vươn tới mục tiêu trở thành nữ doanh nhân, nữ lãnh đạo, biết suy nghĩ và hành động để tạo ra tác động tới xã hội, thậm chí trên quy mô toàn thế giới.

Từ câu chuyện của Hội Nữ doanh nhân Hà Nội, bà Nguyễn Thùy Dương đề ra ba giải pháp để nâng cao chất lượng công tác phát triển kinh tế của phụ nữ Thủ đô. Đó là truyền thông nâng cao hiểu biết của cộng đồng để đồng thuận gây quỹ, thu hút, lôi kéo vào các chương trình triển khai; đào tạo nâng cao năng lực nghề nghiệp cho phụ nữ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đáp ứng sự thay đổi của xã hội, tạo ra các kênh truyền thông để phụ nữ chia sẻ những câu chuyện, gánh nặng trong cuộc sống.

Mai Linh

Có thể bạn quan tâm