Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, việc tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện các Luật này nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Trong đó, có nhiều vấn đề cần được các chuyên gia quan tâm thảo luận như: Thời gian học tập của học sinh phổ thông, chính sách đối với giáo viên, định mức, số lượng giáo viên, tỷ lệ giáo viên trên học sinh, tỷ lệ giáo viên trên lớp…

Góp ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi), bà Phan Thị Thu Hà, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp bày tỏ quan điểm đồng tình cao với đề xuất không học cuối tuần ở các cơ sở giáo dục phổ thông, để học sinh có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Để thực hiện điều này, cần có quy định chung để có sự thống nhất đồng bộ ở các địa phương. Đồng thời, cần có quy định điều chỉnh tỷ lệ học sinh/lớp ít hơn để giáo viên có đủ điều kiện, thời gian vừa làm công tác giáo dục, vừa làm công tác giáo dưỡng học sinh tốt hơn.
 
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Quan tâm đến việc xác định mục tiêu của từng bậc học, ông Lê Quang Minh, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Giáo dục (sửa đổi) nên xây dựng nội dung trọng tâm ở từng cấp học cần hướng tới như bậc tiểu học chú trọng dạy đạo đức, đến trung học cơ sở chú trọng hơn tới giáo dục kiến thức, lên trung học phổ thông cần quan tâm hơn tới bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh. Đặc biệt, Luật cần quy định rõ, cụ thể hơn công tác phân luồng học sinh, bởi đây là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Cùng với đó, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp để bảo đảm yêu cầu thị trường, nhu cầu của người học.

Liên quan đến công tác phân luồng học sinh, nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần công nhận tương đương bằng tốt nghiệp trung học phổ thông với bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, khi tốt nghiệp hai hình thức này người học được công nhận có trình độ văn hóa tương đương nhau, từ đó tạo điều kiện để học viên học trung cấp nghề liên thông lên các chương trình cao hơn. Có vậy mới tạo cơ chế phân luồng học sinh sau trung học cơ sở học nghề hiệu quả. Nếu từ hệ thống giáo dục nghề nghiệp mà không liên thông được với hệ thống đại học thì người học sẽ không đi theo học nghề.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng thảo luận về quy định quản lý trường công - tư, chế độ cho giáo viên được điều chuyển lên làm quản lý, biên soạn sách giáo khoa, chính sách giáo viên...
Thu Hoài
TTXVN

Có thể bạn quan tâm