Ghi nhận ý kiến người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang

Ghi nhận ý kiến người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trò chuyện với người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đồng Thúy- TTXVN
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trò chuyện với người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Đồng Thúy- TTXVN

Tại hội nghị, các đại biểu là người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bày tỏ phấn khởi trước những thông tin về kết quả của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Các đại biểu cũng đồng thời đề xuất nhiều nội dung tập trung vào lĩnh vực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi, văn hóa, giáo dục; các chính sách hỗ trợ cho người có uy tín; chế độ tuyển chọn cán bộ, công chức sinh sống và làm việc tại vùng dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Văn An, người uy tín xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn) phản ánh, hiện vẫn còn tình trạng thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số không "mặn mà" với tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình; do đó kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Đỗ Mạnh Hải, người uy tín ở xã Hồng Kỳ (Yên Thế) chia sẻ: So với mặt bằng chung, đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nghèo, tuy nhiên còn một số trường hợp có biểu hiện chưa chịu khó làm kinh tế; sản xuất thụ động; trình độ kỹ thuật hạn chế. Đảng, Nhà nước cần tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hướng dẫn, tập huấn cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, toàn tỉnh Bắc Giang có 188 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 72% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 70 xã có người dân tộc thiểu số; có 7 dân tộc thiểu số với khoảng 240 nghìn người. Những năm gần đây, đồng bào vùng dân tộc thiểu số đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất; hình thành nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Cơ sở hạ tầng ngày một khang trang. Toàn bộ thôn, bản có điện lưới quốc gia; chất lượng giáo dục, y tế nâng cao. Ngoài những chính sách của Trung ương, UBND tỉnh Bắc Giang cũng có cơ chế riêng cho 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn… Nhờ đó, chất lượng cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm; an ninh trật tự được giữ vững.

Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, tỉnh Bắc Giang có hơn 500 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, có đóng góp lớn trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế, xã hội giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc. Hiện các cơ chế, chính sách về vùng dân tộc thiểu số vẫn còn chồng chéo tại các bộ luật nên khi thực hiện khó tránh khỏi không đồng bộ. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, các cấp ủy Đảng tiếp tục tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật mới của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã giữ gìn tốt bản sắc văn hóa, phong tục, truyền thống.
Phương Thúy 

Có thể bạn quan tâm