Đồng Tháp chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô

Đồng Tháp chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô
Việc chuyển đổi này nhằm phát triển diện tích cây ngô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung thành các vùng sản xuất quy mô lớn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh; tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và thủy sản.

Quy hoạch phát triển cây ngô có diện tích lớn được tập trung tại các huyện như: Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, Lấp Vò, Lai Vung; Khuyến khích sử dụng các loại giống ngắn ngày có chất lượng và năng suất ổn định như ngô lai với các loại giống: C 919, DK 9901, DK 6919, DK 9955…, ngô ăn tươi với các giống: ngô Nù, Milkey 36, Tím ngọt…

Nông dân chăm sóc ngô. Ảnh: vov.vn
Nông dân chăm sóc ngô. Ảnh: vov.vn

Tỉnh Đồng Tháp còn hỗ trợ giống ngô để chuyển đổi cây trồng trên đất lúa được áp dụng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất trồng lúa chuyển sang trồng ngô, các vụ sản xuất trong năm cho đến hết vụ Đông Xuân 2018 - 2019. Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sẽ được hỗ trợ giống ngô để chuyển đổi trồng trên đất lúa là 3 triệu đồng/ha; trong đó, trên cùng diện tích chuyển đổi chỉ được hỗ trợ 1 lần.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngô trên đất lúa được tỉnh Đồng Tháp phát huy hiệu quả trong nhiều năm qua, trồng ngô lãi 30 triệu đồng/ha, lãi gấp đôi trồng lúa. Diện tích trồng ngô năm 2016 hơn 4.700 ha, là diện tích trồng màu lớn nhất tỉnh so với các loại cây màu khác.

Cây ngô được trồng ở Khu vực ven sông Tiền, sông Hậu, nhiều nhất là ở các huyện Thanh Bình, Lấp Vò và Hồng Ngự và một số vùng sâu Đồng Tháp Mười, nông dân trồng ngô luân canh trên nền đất lúa sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân hoặc Hè Thu, theo mô hình 2 lúa, 1 màu.

Vừa qua, Đồng Tháp trồng các loại ngô lai, trồng phổ biến như ngô NK66, Bioseed, King 80, DK 9901, C 919…; Ngô nếp gồm các giống MX10, Wax 44, Wax 48, ngô nù địa phương, bình quân cho năng suất 7-8 tấn/ha, đa số người dân trồng ngô ở Đồng Tháp đưa cơ giới vào sản xuất ngô như máy cày, máy xới đất, máy tỉa ngô, máy thu hoạch ngô và máy tuốt hạt ngô…

Mùa vụ năm 2017 ở Đồng Tháp, năng suất ngô đạt từ 8-10 tấn/ha do người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, với vốn đầu tư thấp nhưng cây ngô dễ trồng và ít sâu bệnh hơn những cây trồng khác. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng ngô và đặc biệt là ngô lai để chế biến thức ăn cho gia súc ngày càng tăng, nên giá ngô trên thị trường luôn ổn định ở mức cao.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, thuận lợi trong việc chuyển đổi cây trồng ở Đồng Tháp nhất là cây ngô luân canh trên nền đất lúa góp phần cải tạo đất, phá thế độc canh, cắt đứt dòng đời sâu bệnh trên lúa. Cây ngô được nhiều nhà máy trên địa bàn tỉnh thu mua chế biến thức ăn chăn nuôi giúp nông dân tiêu thụ dễ dàng cho cây ngô.
Nguyễn Văn Trí

Có thể bạn quan tâm