Điện Biên tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Điện Biên tập trung phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Xã Tà Lèng đạt chuẩn Nông thôn mới (tỉnh Điện Biên) đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2017. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Xã Tà Lèng đạt chuẩn Nông thôn mới (tỉnh Điện Biên) đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2017. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết của Quốc hội, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 – 2018 ước tăng 8,30%; GDP bình quân đầu người ước năm 2018 là 26,7 triệu đồng/người/năm, tăng 15,8% so với năm 2015. Đến cuối năm 2017, tỉnh Điện Biên có hơn 50.000 hộ nghèo (chiếm 41,01%), giảm 7,13% so với năm 2015. Ước đến năm 2018 toàn tỉnh có khoảng 48.000 hộ nghèo (chiếm 37,46%), giảm 10,69% so với năm 2015; đạt 70,61% mục tiêu đến năm 2020 (giảm xuống còn dưới 33%).

Giai đoạn 2015 - 2018, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình giảm nghèo tỉnh Điện Biên là hơn 9.300 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 4.000 tỷ đồng. Tỉnh Điện Biên đã thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và chuyển đổi ngành nghề, phát triển nguồn nhân lực. Theo đó,  tỉnh đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hơn 3.000 hộ dân; duy trì và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300.000 lao động, tạo việc làm mới cho hơn 30.000 lao động;... Từ năm 2015 đến ngày 30/6/2018, thông qua Quỹ Vì người nghèo, tỉnh Điện Biên đã vận động, ủng hộ được gần 4,5 tỷ đồng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Điện Biên, kết quả giảm nghèo trên địa bàn chưa thực sự bền vững, chênh lệch thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng, các dân tộc còn cao. Nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trong những năm qua bố trí còn thấp, ngân sách tỉnh hạn hẹp. Việc huy động các nguồn vốn khác trên địa bàn còn hạn chế. Việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, khó triển khai. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, tiến độ giải ngân một số dự án còn chậm so với kế hoạch làm ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các mục tiêu đã xác định.

Để thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn tới, tỉnh Điện Biên sẽ thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm cơ sở xác định nguyên nhân, nhóm đối tượng nghèo để từ đó xác định giải pháp cụ thể phù hợp với thực tế, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận thuận tiện với các dịch vụ xã hội, trọng tâm là các dịch vụ cơ bản. Tỉnh tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các huyện nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện để người nghèo mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Tỉnh Điện Biên nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục thực hiện công tác xuất khẩu lao động; chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cứu trợ kịp thời các đối tượng xã hội bị thiên tai, lũ lụt, mất mùa; thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch… 
Xuân Tư

Có thể bạn quan tâm