Đến năm 2020, chuyển đổi mục đích sử dụng trên 60.000 ha rừng

Đến năm 2020, chuyển đổi mục đích sử dụng trên 60.000 ha rừng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 6570/BNN-TCLN ngày 08/8/2017, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng từ nay đến năm 2020.
Ông Hoàng Quốc Vượng phát cỏ chăm sóc rừng trồng và ông đã thu tiền tỷ từ trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN.
Ông Hoàng Quốc Vượng phát cỏ chăm sóc rừng trồng và ông đã thu tiền tỷ từ trồng rừng. Ảnh: Nguyễn Thảo - TTXVN.
Theo đó, đến ngày 30/9/2017, báo cáo của 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, tổng số dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng đã được phê duyệt, đang thực hiện và dự án có trong kế hoạch trung hạn đến năm 2020 là 1.071 dự án, diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng 60.129 ha, bao gồm: rừng tự nhiên 16.866 ha, rừng trồng 28.986 ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 14.277 ha. Phân theo loại đất rừng: rừng đặc dụng 877 ha, rừng phòng hộ 9.584 ha, rừng sản xuất 49.667 ha. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng từ nay đến năm 2020 với diện tích 60.129 ha, trong đó rừng tự nhiên 16.866 ha là rất lớn, cần phải được xem xét kỹ lưỡng, quản lý đúng pháp luật. Trong thời gian qua, một số địa phương đã giải quyết chuyển mục đích sử dụng rừng thiếu chặt chẽ, quản lý lỏng lẻo, để xảy ra sai phạm, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án ở một số địa phương không được điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất.
Tận dựng tán cây rừng, ông Vượng nuôi ong lấy mật. Mỗi năm, gia đình ông cũng thu về hơn trăm lít mật ong, thu lãi về hàng chục triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Thảo – TTXVN
Tận dựng tán cây rừng, ông Vượng nuôi ong lấy mật. Mỗi năm, gia đình ông cũng thu về hơn trăm lít mật ong, thu lãi về hàng chục triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Thảo – TTXVN
Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng nên dẫn đến tình trạng quy hoạch luôn bị phá vỡ, nhiều dự án chưa chấp hành nghĩa vụ trồng rừng thay thế và đánh giá tác động môi trường. Điển hình như: Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam, tỉnh Phú Yên; Dự án đầu tư Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, tỉnh Phú Yên; nhất là những sai phạm tại các dự án phát triển kinh tế, xã hội trồng cao su những năm trước vẫn tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm; đáng quan tâm là một số nơi có biểu hiện vì lợi ích trước mắt, cục bộ địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khu vực Tây Nguyên diện tích rừng tiếp tục giảm, với diện tích rừng hiện có 2.558.646 ha, giảm 3.170 ha so với năm 2015. Đắk Nông là địa phương có diện tích rừng bị mất lớn nhất, giảm 2.337 ha; trong đó rừng tự nhiên giảm 8.132 ha còn rừng trồng tăng 5.785 ha. Tiếp đến là Gia Lai giảm 1.151 ha; trong đó rừng tự nhiên giảm 1.894 ha, rừng trồng tăng 743 ha. Kon Tum giảm 194 ha, rừng tự nhiên giảm 525 ha, rừng trồng tăng 331 ha; Đắk Lắk giảm 180 ha, rừng tự nhiên giảm 597 ha, rừng trồng tăng 417; Lâm Đồng tăng 539 ha, rừng tự nhiên giảm 478 ha, rừng trồng tăng 1.017 ha. Trong 9 tháng qua, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 118 vụ (7%), diện tích rừng bị thiệt hại 910 ha, giảm 394 ha (30%)so với cùng kỳ 2016. Riêng khu vực Tây Nguyên phát hiện 757 vụ phá rừng trái pháp luật, tăng 88 vụ (13%), diện tích rừng bị thiệt hại 418 ha, tăng 145 ha (53%) so với cùng kỳ 2016. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 5 năm (2012 - 2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm (hành vi phá rừng trái pháp luật làm mất 11% tổng diện tích rừng giảm).
Bích Hồng

Có thể bạn quan tâm