Bình Thuận đặt mục tiêu có 9.800 ha thanh long sản xuất theo VietGAP

Bình Thuận đặt mục tiêu có 9.800 ha thanh long sản xuất theo VietGAP
Khách hàng lựa chọn mua trái thanh long tươi của Việt Nam tại chợ đầu mối hoa quả Sydney. Ảnh: Khánh Linh - Pv TTXVN tại Australia
Khách hàng lựa chọn mua trái thanh long tươi của Việt Nam tại chợ đầu mối hoa quả Sydney. Ảnh: Khánh Linh - Pv TTXVN tại Australia
Ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Bình Thuận hiện có hơn 27.600 ha thanh long với sản lượng khoảng 553.000 tấn/năm. Trái thanh long trở thành cây trồng có giá trị xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Từ năm 2009 đến nay, chương trình sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGAP đã từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của nông dân, thúc đẩy nông dân ứng dụng khoa học công nghệ phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay. Từ đó, góp phần giữ uy tín thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận trên thị trường quốc tế, tăng thu nhập cho người nông dân. Tính đến cuối năm 2017, Bình Thuận có hơn 9.500 ha thanh long sản xuất theo VietGAP (chiếm hơn 30% diện tích thanh long cả tỉnh) với hơn 449 tổ liên kết và 9.600 hộ gia đình, trang trại tham gia sản xuất. Ngoài ra, Bình Thuận hiện có 262ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ những tồn tại và đưa ra các đề xuất để tháo gỡ những khó khăn trong phát triển thanh long VietGAP. Theo bà Đào Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long tỉnh Bình Thuận, có 2 nguyên nhân khiến người nông dân không “mặn mà” với VietGAP. Về khách quan, hầu hết các doanh nghiệp và hợp tác xã thanh long tiêu thụ thanh long chưa quan tâm đến việc thu mua sản phẩm thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Về chủ quan, một số địa phương và người dân vì chưa thấy rõ lợi ích và tầm quan trọng VietGAP nên không coi trọng việc triển khai sản xuất theo tiêu chuẩn này, các địa phương thiếu đôn đốc và chỉ đạo quyết liệt đối với việc phát triển sản xuất theo hướng VietGAP… Thảo luận về vấn đề này, đại diện tổ sản xuất thanh long VietGAP  Nam Tâm 1, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, hiện nay rất khó vận động người dân tham gia VietGAP bởi sản xuất tiêu chuẩn này rất phức tạp như phải ghi chép nhật ký, đảm bảo các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Tuy nhiên, giá cả bán ra thì không khác gì với trái thanh long không sản xuất theo VietGAP, nhất là những lúc sâu bệnh nhiều. Mặc dù ngành nông nghiệp và địa phương đã có nhiều hỗ trợ để bà con sản xuất an toàn như hỗ trợ kỹ thuật, máy móc… nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào chuyên đứng ra tiêu thụ, thu mua trái thanh long VietGAP. Từ đó khiến nông dân “nản”, không còn muốn tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn này.
Chị Hồ Thị Trúc, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đầu tư vốn trồng 7 ha thanh long, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường 280 tấn quả thanh long. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN
Chị Hồ Thị Trúc, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đầu tư vốn trồng 7 ha thanh long, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường 280 tấn quả thanh long. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN
Để tìm hướng ra cho trái thanh long sản xuất an toàn, đại diện Tổ hợp tác sản xuất thanh long Đồng Tâm, huyện Hàm Thuận Bắc cho rằng, các ngành chức năng và địa phương cần hỗ trợ các tổ sản xuất VietGAP kết nối, liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp để có hướng tiêu thụ ổn định, bền vững cho trái thanh long. Đồng thời, cơ cấu, quy hoạch lại diện tích sản xuất thanh long phù hợp với nhu cầu thị trường, hỗ trợ nông dân xây dựng và tiếp cận với các chuỗi giá trị để sản xuất ổn định, lâu dài… Để nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long Bình Thuận, đặc biệt thực hiện tốt kế hoạch sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP trong năm 2018 đạt được chỉ tiêu 9.800 ha, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các sở, ngành tăng cường phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và quy trình sản xuất nông sản an toàn. Ngành nông nghiệp cũng phối hợp với ngành công thương, Hiệp hội Thanh long đẩy mạnh vận động các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long thu mua thanh long VietGAP cho nông dân; trong đó, ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thu mua sản phẩm thanh long sản xuất theo VietGAP được tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại…
Hồng Hiếu

Có thể bạn quan tâm