Bến Tre xây dựng chuỗi giá trị dừa

Bến Tre xây dựng chuỗi giá trị dừa
Thương lái thu mua dừa xiêm xanh của nông dân Bến Tre. Ảnh: Công Trí - TTXVN
Thương lái thu mua dừa xiêm xanh của nông dân Bến Tre.
Ảnh: Công Trí - TTXVN
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Bùi Văn Lâm cho biết, đến nay tỉnh đã thành lập 10 tổ liên kết, 30 tổ hợp tác, 7 hợp tác xã, với khoảng 2.139 hộ và gần 1.600 ha diện tích được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng và thu mua toàn bộ sản phẩm. Ngoài việc thành lập các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh còn phối hợp với các đơn vị liên quan làm cầu nối để kết nối doanh nghiệp và nông dân, nhằm chủ động đầu ra sản phẩm. Tham gia vào chuỗi giá trị này, các doanh nghiệp gắn kết với nông dân bằng hai hình thức là mua trực tiếp dừa trái và xây dựng điểm sơ chế tại cơ sở. Cụ thể, đối với dừa công nghiệp, hiện có 3 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ là Công ty Lương Quới, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty cổ phần chế biến Dừa Á Châu đã ký kết bao tiêu sản phẩm, giữ vững mức giá sàn (mức giá tối thiểu 50.000 đồng/chục dừa) và đảm bảo thu mua ổn định cho các tổ hợp tác, hợp tác xã. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp đã tiêu thụ qua hợp đồng gần 10,5 triệu trái và 217 tấn cơm dừa tươi. Riêng Công ty chế biến dừa Lương Quới xây dựng 2 cơ sở chế biến dừa tại xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam và Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, công suất sơ chế 20.000 trái/ngày, tương đương 7 tấn cơm dừa tươi mỗi cơ sở. Ngoài ra, các Hợp tác xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, Hợp tác xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú đã tổ chức sơ chế tại chỗ để tạo giá trị tăng thêm. Hiện nay, các doanh nghiệp mới tham gia chuỗi như Công ty Bảo Thạnh, Công ty Kiến Hiếu, Công ty Dừa Xanh đã tiếp cận với địa phương chọn hai điểm xây dựng vườn dừa mẫu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam và Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm. Ngoài dừa công nghiệp, dừa uống nước cũng được ngành chức năng tỉnh Bến Tre xúc tiến xây dựng chuỗi giá trị và bước đầu vận hành tương đối thuận lợi. Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong cho hay, tính từ năm 2017 đến nay, công ty đã thu mua được 287.881 trái dừa uống nước cho nông dân trồng dừa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, các doanh nghiệp chế biến dừa đã chủ động đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ để sản xuất sản phẩm có giá trị cao từ dừa để phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu như dầu dừa hữu cơ, nước dừa đóng lon, nước cốt dừa đóng lon, các loại mỹ phẩm từ dừa…Các doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực chế biến dừa, đã tập trung vào việc xây dựng nguồn nguyên liệu sạch từ vùng sản xuất của nông dân, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm khi tham gia thị trường xuất khẩu và góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập, yên tâm phát triển diện tích vườn dừa. Với diện tích dừa gần 72.000 ha, sản lượng hơn 600 triệu trái/năm, Bến Tre được mệnh danh là thủ phủ dừa của Việt Nam. Để ngành dừa phát triển bền vững, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, doanh nghiệp và các đơn vị tham gia trong chuỗi theo nhu cầu thị trường. Ngành chức năng tỉnh nâng cao năng lực quản lý điều hành tổ, nhóm sản xuất và năng lực hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời tăng cường giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất và chế biến. Cùng đó, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa tổ hợp tác, hợp tác xã  với doanh nghiệp, để đảm bảo năng suất chất lượng trái dừa trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhưng vẫn đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị dừa của tỉnh.
 Trương Công Trí

Có thể bạn quan tâm