Bắc Kạn đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững

Bắc Kạn đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững
Bắc Kạn phát triển kinh tế nhờ trồng rừng dược liệu.
Bắc Kạn phát triển kinh tế nhờ trồng rừng dược liệu.
Theo ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Bắc Kạn vẫn là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao so với mặt bằng chung của cả nước. Kết quả xóa đói giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ có nguy cơ tái nghèo cao do việc làm không ổn định, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Một số chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo chưa được thực hiện hiệu quả, đời sống của đa số đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, sức cạnh tranh của hàng hóa thấp, còn một số bộ phận dân cư thiếu đất sản xuất. Bên cạnh đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo chậm, chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp, còn thiếu việc làm. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chưa sâu rộng nên nhận thức của một bộ phận cán bộ cơ sở và một số hộ nghèo còn hạn chế, có biểu hiện ỷ lại và không muốn thoát nghèo. Các chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo hiệu quả còn thấp. Công tác rà soát, bình xét hộ nghèo còn nhiều bất cập về tiêu chí và biện pháp thực hiện. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như: Chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách về y tế, giáo dục, hỗ trợ nhà ở; trợ giúp pháp lý, văn hóa thông tin...; cùng với đó là nhiều chương trình giảm nghèo bền vững như chương trình 30a, 135; dự án nâng cao năng lực giám sát đánh giá chương trình giảm nghèo.
Quế là cây dược liệu góp phần giảm nghèo bền vững ở Bắc Kạn. Ảnh: Vũ Hoàng Giang - TTXVN
  Quế là cây dược liệu góp phần giảm nghèo bền vững ở Bắc Kạn.
Ảnh: Vũ Hoàng Giang - TTXVN
Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo được phân bổ về các địa phương, trong đó chính sách tín dụng ưu đãi cho giảm nghèo dự kiến tăng trưởng khoảng 135 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội khoảng 64 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ về giáo dục là 44 tỷ đồng; chính sách cho vay hỗ trợ về nhà ở gần 11 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội là 12,7 tỷ đồng. Ngoài ra kinh phí được phân bổ từ các dự án chương trình 30a là 57 tỷ đồng, vốn chương trình 135 là 126 tỷ đồng, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã ngoài chương trình 30a và chương trình 135 là 630 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn cũng đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo như: Hỗ trợ sản xuất, vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho hộ nghèo; thực hiện tốt chính sách trồng và bảo vệ rừng để tăng thu nhập, chuyển giao tiến bộ khoa học cho hộ nghèo; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, ổn định cuộc sống cho hộ nghèo, cận nghèo. Cùng với đó, huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với các chuỗi giá trị ở các huyện nghèo, xã nghèo đảm bảo đạt tiêu chí nông thôn mới; thực hiện lồng ghép, gắn kết với các chương trình, dự án khác trên địa bàn để tập trung nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo. Tỉnh tổ chức tốt công tác truyền thông giảm nghèo đa chiều bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo bền vững. Tỉnh cũng chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và dạy nghề để người nghèo có điều kiện chuyển đổi nghề; tiếp tục làm tốt công tác xuất khẩu lao động và khuyến khích, vận động các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện còn 19.379 hộ nghèo/78.987 hộ, chiếm tỷ lệ 24,53% (giảm 2,08% so với năm 2016); số hộ cận nghèo còn 9.658/78.987 hộ chiếm tỷ lệ 12,23%, giảm 0,7%. Năm 2018, tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 21% và hộ cận nghèo là 9%.
Mạnh Hà

Có thể bạn quan tâm