Xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống và sản xuất của người dân Sóc Trăng

Xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống và sản xuất của người dân Sóc Trăng
Xâm nhập mặn ảnh hưởng tới năng suất mía ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Xâm nhập mặn ảnh hưởng tới năng suất mía ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho thấy, xâm nhập mặn đã làm gần 14.000 ha lúa trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng và thiệt hại, trong đó hơn 3.500 ha lúa bị thiệt hại từ 30 – 70% và hơn 3.700 ha lúa bị thiệt hại trên 70%, trong đó có hơn 1.200 ha bị mất trắng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 6.500 ha mía tại Cù lao Dung bị ảnh hưởng, trong đó có gần 200 ha mía sắp thu hoạch bị chết khô vì mặn ngập chân ruộng mía. 

Tại thị xã Vĩnh Châu, tuyến đê biển ngăn triều cường cũng bị sóng biển làm sạt lở và vỡ nhiều đoạn. Mới nhất là tại tuyến đê biển tại xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, triều cường kết hợp với gió lớn đã làm vỡ gần 100m đê đoạn K41 và K43. Các cấp, các ngành ở địa phương đang huy động các lực lượng khẩn trương khắc phục, nhưng về lâu dài, tuyến đê bao sẽ khó đứng vững trước các cơn sóng dữ, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt. Sóng lớn, triều cường đã làm những vạt rừng phòng hộ ven biển bên ngoài đê biển đang bị sóng đánh tơi tả và ngày càng bị biển lấn sâu vào các đoạn đê xung yếu.

Những hộ trồng mía may mắn có thu hoạch những năng suất và trữ đường đều giảm mạnh. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Những hộ trồng mía may mắn có thu hoạch những năng suất và trữ đường đều giảm mạnh. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

 Một số người dân ở ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu - nơi có đoạn đê xung yếu bị sạt lở và vỡ do triều cường nặng nhất cho biết: Cách đây khoảng 5-7 năm, những vạt rừng phòng hộ ven biển chạy dài bên ngoài đê xanh tốt nhưng do triều cường, sóng đánh ngày càng cao, dữ dội hơn nên đến nay, vài chục ha rừng che chắn ở đây đã không còn nữa, hậu quả là nước biển ngày càng xoáy sâu vào chân đê gây sạt lở, vỡ đê liên tục xảy ra. 

Đê bao vỡ thì việc sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng ven biển cũng bị ảnh hưởng. Nước mặn của biển xâm nhập xâu vào nội đồng thì việc canh tác sẽ bị ảnh hưởng trước tiên. Sau đó sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu mùa vụ, dân cư. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên đối với người dân vùng ven biển đang tác động ngày càng mạnh. 

Mía chết đứng trên đồng vì nước mặn vào ngập chân ruộng. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Mía chết đứng trên đồng vì nước mặn vào ngập chân ruộng. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Nhằm hạn chế tác động của thiên tai, hạn mặn ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân, tỉnh Sóc Trăng đã thông qua kế hoạch đầu tư thủy lợi phòng chống hạn, mặn, hạn chế thiên tai giai đoạn 2016-2018 với tổng số tiền trên 1.550 tỷ đồng. Nguồn vốn trên sẽ được đầu tư vào việc nâng cấp đê điều, nạo vét kênh mương, mở rộng các công trình hệ thống cấp nước sạch nông thôn. 

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, dự án đê biển Vĩnh Châu từ cầu Mỹ Thanh 2 đến giáp địa bàn tỉnh Bạc Liêu có chiều dài trên 40 km, được Trung ương đầu tư trên 430 tỉ đồng. Đây là nguồn vốn từ Dự án thuộc chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện, tỉnh đã giao UBND thị xã Vĩnh Châu chỉ đạo triển khai, ưu tiên tập trung gia cố những đoạn xung yếu tại vị trí cống 16 đến đoạn K43, khu vực rọ đá đoạn K41... Phần nâng cấp đê biển từ cầu Mỹ Thanh 2 đến giáp ranh Bạc Liêu sẽ tiếp tục được triển khai hoàn chỉnh trong giai đoạn 2016-2020. Riêng phần cứng hóa 51,45km đê biển sẽ được thực hiện sau khi đê đã được nâng cấp hoàn chỉnh, kết cấu ổn định; dự kiến thực hiện trong giai đoạn tiếp theo khi được Trung ương bố trí vốn. 

Do ảnh hưởng của hạn mặn nên mía không phát triển được. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Do ảnh hưởng của hạn mặn nên mía không phát triển được. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Cùng với việc nâng cấp, khắc phục đê biển, đê sông, trồng rừng phòng hộ ven biển, nhiều giải pháp hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng đã được Sóc Trăng tính tới. Tỉnh sẽ tổ chức sắp sếp lại sản xuất, bố trí lịch thời vụ xuống giống sớm hơn, tránh hạn mặn ảnh hưởng đến diện tích lúa; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển một phần diện tích lúa, mía vùng dễ bị hạn mặn sang trồng rau màu hoặc nuôi thủy sản. Sóc Trăng cũng tăng cường làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương để có thể trữ nước ngọt từ mùa mưa, phục vụ cho sản xuất vào mùa khô hạn.

Có thể bạn quan tâm