Việt Nam với yêu cầu quy hoạch sử dụng biển bền vững (Bài cuối)

Việt Nam với yêu cầu quy hoạch sử dụng biển bền vững (Bài cuối)
Bài 3 (Bài cuối):  Giải pháp phát triển kinh tế biển phù hợp

Việt Nam nằm trên bờ Biển Đông-con đường ngắn nhất nối liền 2 đại dương là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Từ xa xưa đến nay đây là con đường huyết mạch nối liền đông bán cầu và tây bán cầu, nên Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng tại khu vực có nhiều nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới hiện nay. Cộng với lợi thế là nước có nhiều vũng, vịnh rất thuận lợi làm cảng biển, vùng đặc quyền và thềm lục địa rộng lớn giàu tài nguyên, là một trung tâm đa dạng sinh học của biển nhiệt đới… Do đó, biển và hải đảo của nước ta hội tụ đủ các điều kiện để phát triển bền vững phù hợp với thể chế kinh tế thị trường.

Rất đông du khách đến nghỉ dưỡng và tắm biển Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Viết Ý - TTXVN
Rất đông du khách đến nghỉ dưỡng và tắm biển Quy Nhơn (Bình Định).
Ảnh: Viết Ý - TTXVN

Tài nguyên biển đang suy thoái

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Vũ Sĩ Tuấn nhận xét,  tuy tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam rất lớn những đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu là do yếu tố chủ quan. Trước hết là cho đến nay nước ta vẫn chưa có quy hoạch sử dụng biển, cũng như quy hoạch tổng thể sử dụng vùng bờ biển theo quan điểm quản lý tổng hợp. Do đó kinh tế biển mới phát huy được một phần tiềm năng nhưng đã gây suy thoái nghiêm trọng đến tài nguyên biển và vùng bờ.

Ngoài nguồn lợi thủy sản bị đánh bắt đến cạn kiệt, các hệ sinh thái biển quan trọng như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển đã bị phá hoại và trên đà suy thoái rất nhanh. Cũng chính vì nhận thức của ngư dân còn thấp nên dẫn đến tình trạng đánh bắt thủy sản theo lối hủy diệt khá phổ biến, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu loại sản phẩm này. Cùng với đó là những vụ việc gây ô nhiễm môi trường biển đáng báo động, nguy hiểm nhất là vụ Công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải trái phép gây hậu quả rất lớn đến môi trường biển và kinh tế-xã hội tại 4 tỉnh miền Trung vào đầu năm 2016.

Một nghiên cứu vừa được công bố quốc tế nêu rõ Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về phát thải rác thải nhựa ra biển, nhưng cũng chưa có các chính sách, quy định pháp luật quản lý loại rác thải này. Trong khi diện tích các khu bảo tồn biển vẫn chưa thể đạt cam kết về việc thực thi các mục tiêu Công ước về đa dạng sinh học 1992 mà Việt Nam đã ký kết ngày 16/11/1994. Mặt khác, việc quản lý các khu bảo tồn biển chưa tạo được những thay đổi quan trọng trong việc phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản như yêu cầu đặt ra. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng ven biển dàn trải với nhiều sân bay, bến cảng liền kề nhau, nên hiệu quả khai thác không tương xứng.

Đặc biệt, hệ thống chính sách, pháp luật phát triển kinh tế biển không đồng bộ, chưa tạo được sức mạnh để điều chỉnh các hoạt động kinh tế biển. Nhận thức về vấn đề này đối với đội ngũ cán bộ, nhân dân chưa cao, khái niệm về “kinh tế biển xanh” hầu như chưa được hiểu và áp dụng một cách thống nhất. Việc quy hoạch công tác phòng chống thiên tai cũng chưa đồng bộ gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế mỗi khi xuất hiện bão, lũ hàng năm.

Đề xuất giải pháp phát triển

Chuyên gia Vũ Thanh Ca, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định, để đảm bảo phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững, Việt Nam cần phải áp dụng một phương thức quản lý mới. Đó là phương thức quản lý tổng hợp biển và hải đảo theo cách tiếp cận hệ sinh thái (PEMSEA 2016) hướng tới một nền kinh tế biển xanh, để hài hòa các lợi ích kinh tế từ những hoạt động kinh tế ngành, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn, bảo vệ tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển.

Theo đó, chuyên gia Vũ Thanh Ca đề xuất: Phương thức quản lý tổng hợp biển và hải đảo theo cách tiếp cận hệ sinh thái cần phải được thực hiện theo cơ chế thị trường. Vì vậy, cần xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nhằm đảm bảo phát triển nền kinh tế biển xanh ở Việt Nam. Trong đó giải pháp trước tiện là xây dựng, phê duyệt và triển khai Quy hoạch sử dụng biển và vùng bờ biển, trên cơ sở phân tích kỹ các chức năng của từng vùng biển nhằm khai thác hiệu quả, có lợi nhất một số chức năng quan trọng trong giới hạn không làm ảnh hưởng đến chức năng khác và dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường và phá hủy các hệ sinh thái.

Trên cơ sở Quy hoạch, xây dựng một hệ thống chính sách, quy định pháp luật và cơ cấu tổ chức đảm bảo khai thác, sử dụng “khôn ngoan”, hợp lý tài nguyên biển, vùng bờ, hải đảo, vừa hài hòa lợi ích các ngành, các bên liên quan, giảm thiểu các xung đột lợi ích. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật về phát triển nghề cá bền vững, chống đánh bắt hủy diệt, trái phép; rà soát quy hoạch phát triển cảnh biển, các khu, đặc khu kinh tế biển, các khu kinh tế mở và các ngành công nghệ biển đảm bảo đầu tư hiệu quả, phù hợp với nguồn lực của đất nước.

Nhà nước xây dựng cơ chế tài chính sáng tạo đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xóa đói nghèo cho người dân vùng biển, khuyến khích bảo tồn, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và sử dụng năng lượng sạch. Sử dụng các công cụ tài chính để điều chỉnh hiệu quả các hành vi khai thác tài nguyên, bảo vệ và bảo tồn môi trường và các hệ sinh thái biển.

Hiện nước ta đã có một hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo như Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và những luật khác, cũng như những quy định dưới luật có liên quan. Tuy vậy, nhiều quy định dưới luật còn thiếu, chưa thống nhất và nhiều trường hợp còn chưa rõ ràng nên rất khó áp dụng. Các cơ chế tài chính, đặc biệt là cơ chế liên quan đến dịch vụ chi trả môi trường, sinh thái rất thiếu và chưa thể áp dụng. Bởi vậy, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để phát triển kinh tế biển vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Văn Hào

Có thể bạn quan tâm